Người Mỹ gốc Việt ở Fields Corner – Dorchester – Boston

THAY ĐỔI DIỆN MẠO BOSTON VÀ VÙNG PHỤ CẬN
BẢN BÁO CÁO TỪ BOSTON INDICATORS, THE BOSTON FOUNDATION, UMASS BOSTON VÀ THE UMASS DONAHUE INSTITUTE (Tháng 5/2019)

NGƯỜI MỸ GỐC Á TẠI BOSTON VÀ VÙNG PHỤ CẬN
NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT Ở FIELDS CORNER, BOSTON
(Trích các trang 26-29)

Dorchester: Một sắc dân quần tụ trong một khu phố thay đổi

Từng thường là nơi tụ họp đông đảo của các cư dân gốc Ái nhỉ lan, Ý và Do Thái, khu phố Dorchester thuộc thành phố Boston bắt đầu chuyển biến rõ rệt vào những thập niên 1960 và 1970. Ngày nay Dorchester là nơi có dân số rất đa dạng, bao gồm người da trắng, các người gốc Phi, gốc Á và gốc Latin kể cả những người Ba Lan, Cape Verdean, Haiti và người gốc Việt.

Cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Dorchester bắt đầu phát triển vào đầu những năm 1980 và tập trung quanh khu vực Fields Corner. Từ dân số dưới 500 vào năm 1980, đã gia tăng gần 10,000 vào năm 2000 (theo Cơ quan Kế hoạch và Phát triển Boston, 2017), [i] và vượt quá con số 13,000 hiện nay. Như Hình 2.5 cho thấy, vào năm 2016, dân số da trắng và châu Á ở Fields Corner có mức xấp xỉ bằng nhau.

Hình 2.5
Hòa với sự phát triển của cộng đồng người Việt, dân số người Mỹ gốc Á ở khu Fields Corner đã tăng mạnh kể từ năm 1990.
Dân số chia theo chủng tộc và sắc tộc tại khu phố Fields Corner, thành phố Boston.
Ghi chú: “Other” bao gồm: “Hai hoặc nhiều chủng tộc” (không có trong bản Kiểm tra Dân số năm 1990), “Chỉ một số chủng tộc khác”, và “Người bản xứ Hawaii & Người đảo Thái Bình Dương”.
Nguồn: Bản Kiểm tra Dân số Hoa kỳ năm 1990. Bản Khảo sát Cộng đồng người Mỹ 2012–2016.

Người Mỹ gốc Việt, chiếm 75% dân số người Mỹ gốc Á ở Dorchester, bắt đầu đến với tư cách tị nạn vào năm 1975 khi quân đội Hoa Kỳ rời khỏi Việt Nam. Trong khi một số người tị nạn, đặc biệt là những người đến đợt đầu tiên là những chuyên gia có trình độ học vấn cao, nói được tiếng Anh, thì phần lớn còn lại là những người kém kỹ năng và không nói được tiếng Anh. Hậu quả là, nhiều người gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống mới ở Hoa Kỳ. Trong số những thách thức mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt ban đầu phải đối mặt là tình trạng thất nghiệp cao, nơi ở bất ổn và gia đình bị chia cách, tỷ lệ làm chủ nhà thấp, có vấn nạn sức khỏe tâm thần và thiếu hỗ trợ xã hội (Le, 1989).

Khu Fields Corner vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, trước khi có một số đông người Mỹ gốc Việt đến ở, là một khu vực nhà hay bị đốt, với đầy dãy tội phạm. Người Mỹ gốc Việt mới đến ở thường bị quấy rầy và phá phách (Liu và Lo, 2018). Tuy nhiên, trong vài thập niên kế tiếp, cả khu Fields Corner và cộng đồng người Mỹ gốc Việt cùng trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Cư dân người Mỹ gốc Việt càng lúc càng thấy quen thuộc hơn và trở nên một phần không thể thiếu vắng trong khu phố.

XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG VÀ TRỤ SỞ ĐỂ PHỤC VỤ

Điều cần thiết cho tiến trình hội nhập là gia tăng nổ lực vận động và tinh thần tham gia sinh hoạt khu phố của người Mỹ gốc Việt. Ban đầu, Việt Mỹ Dân Vụ Hội là cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội chính, phục vụ cư dân người Mỹ gốc Việt, cùng thời cộng đồng cũng thành lập một vài hiệp hội tôn giáo và xã hội khác. Việc thành lập một tổ chức phát triển cộng đồng, như Cơ Quan Phát Triển Cộng Đồng Việt Mỹ (VietAID), vào năm 1994 là một cột mốc đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng người Việt ở Dorchester. Giới lãnh đạo đã mời gọi các thành viên trong cộng đồng hình thành một nhóm để thiết kế, tài trợ và xây dựng được Trung tâm Cộng đồng Việt Mỹ vào năm 2002 – một cơ sở sinh hoạt cộng đồng đầu tiên được xây dựng tại Hoa Kỳ – đây là một thành tựu được toàn quốc công nhận. Ngày nay, VietAID cung cấp rộng rãi nhiều dịch vụ khác nhau theo nhu cầu cho tất cả cư dân thuộc mọi thành phần, kể cả những người không phải gốc Việt. Đặc biệt, chương trình chăm sóc trẻ và người lớn tuổi cùng các dự án nhà ở giá rẻ mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng và trụ sở trung tâm rộng 18,000 feet vuông cung cấp địa điểm hội họp cho nhiều tổ chức và sinh hoạt khác nhau. Đổi lại, các cơ quan xã hội lân cận như Bartholomew Family Day Care, Neponset Health Center, Dorchester House và Kit Clark Senior Services đã gia tăng nhiều dịch vụ dành cho người Mỹ gốc Việt (Liu và Lo, 2018).

Trớ trêu thay, một thành kiến cố chấp công khai đã huy động cộng đồng người Mỹ gốc Việt trở nên dấn thân với sinh hoạt khu phố nhiều hơn hẳn lên. Năm 1992, khi đang đi dọc đại lộ Dorchester trong buổi diễn hành Ngày Dorchester, Nghị viên Hội đồng Thành phố Boston Albert (Dapper) O’Neil bị ghi băng video hàm ý khinh rẻ nơi quần tụ của người Mỹ gốc Việt. Mọi người trong cộng đồng đều phẫn nộ, mạnh mẽ lên tiếng phản đối sự miệt thị, đồng thời tích cực xây dựng mối quan hệ mới với một số viên chức dân cử. Các nổ lực tiếp theo nhằm gia tăng số cử tri ghi danh và lượng đi bỏ phiếu của người Mỹ gốc Việt tại Fields Corner đã thành công vượt mức. Một sáng kiến khác chứng tỏ cộng đồng người Mỹ gốc Việt càng tham gia mạnh mẽ hơn là cuộc vận động thành công để có phiếu bầu song ngữ vào năm 2006. Phương thức này đã trở thành luật vào năm 2014 (Liu và Lo, 2018).

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Dorchester này dần dà phát triển và lớn mạnh. Mặc dù người Mỹ gốc Việt chỉ chiếm khoảng 15% cư dân ở khu Fields Corner, [ii] nhưng ảnh hưởng dường như lan rộng hơn, phần lớn nhờ vào sự hiển hiện của các doanh nghiệp do người Việt làm chủ thu hút khách hàng gốc Việt từ các nơi khác trong vùng. Từ chỉ một nhóm nhỏ các hàng quán gốc Việt mở ra vào đầu những năm 1980, con số này đã tăng lên vài chục giữa những năm 1990. Đến năm 2005, có đến 126 cơ sở trong tổng số 225 doanh nghiệp nhỏ ở khu Fields Corner có chủ nhân là người Mỹ gốc Việt (Borges-Mendez, Liu và Watanabe 2005). Hiện tại, có hơn 50% doanh nghiệp, ước tính khoảng 145 trên 259, trong khu Fields Corner thuộc quyền sở hữu của người Mỹ gốc Việt (Liu và Lo, 2018).

THÁCH THỨC BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ CÀNG THIẾU TIẾP CẬN: THU NHẬP, GIÁO DỤC VÀ NHÀ Ở

Tuy cư dân người Mỹ gốc Việt ở Dorchester có những bước tiến đáng kể về mặt kinh tế trong hai thập niên qua, nhưng thử thách vẫn còn. Tỷ lệ nghèo của người Mỹ gốc Á trong khu phố cao đến mức 26,9%, so với chỉ 10,6% cho tất cả cư dân ở miền Boston và vùng phụ cận. Lợi tức từng gia đình trung bình là $48,407 so với $79,685 trong tổng số cư dân ở miền Boston. Rồi trong khi 46,1% tất cả cư dân miền Boston có bằng cử nhân hoặc cao hơn, thì người Mỹ gốc Á ở Dorchester chỉ 25,2% có bằng đại học. Và chỉ 4,7% người Mỹ gốc Việt ở Boston có bằng hậu đại học so với 20,5% cho tất cả cư dân tại miền Boston và vùng phụ cận. Trình độ tiếng Anh cũng là một thách thức, đặc biệt đối với người lớn tuổi gốc Việt ở Boston, vì có đến 85,1% nói tiếng Anh rất dở hay không biết gì cả. [iii]

Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người mới đến và người già không thạo tiếng Anh, sống trong một vùng có đông đồng hương không chỉ được thoải mái; mà còn thật quan trọng để tiếp cận các dịch vụ cần thiết. Cũng giống như nhiều khu dân cư nghèo, có thu nhập thấp khác ở Boston, thị trường nhà ở Dorchester bị tăng giá cao trên cả hai mặt đi thuê và làm chủ. Các nhà phát triển đã nhắm hành lang tuyến đường xe điện Đỏ MBTA ở Dorchester là một trong số ít khu vực chưa phát triển nằm gần trung tâm thành phố Boston hiện có sẵn phương tiện di chuyển công cộng dễ dàng. Trong năm năm qua (khi thị trường nhà đất phục hồi tiếp sau cuộc suy thoái năm 2008), giá nhà trung bình ở vùng nam Dorchester tăng khủng khiếp đến mức 76%, theo Zillow (2018). Điều này thậm chí còn cao hơn cả mức tăng của toàn vùng Boston (51%). Ở vùng nam Dorchester, nơi có khu Fields Corner, giá nhà trung bình là $496,400 vào tháng 9 năm 2018.

Cư dân đã tỏ ra quan tâm và lo lắng vừa cả về việc xây cất đại quy mô các tòa nhà đa dụng ở Dorchester và vừa lan tràn việc nhà đổi chủ có thể hay đã nhanh chóng làm tăng vọt giá thuê và di dời những người đi thuê nhà lâu năm. Theo vị giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận người Mỹ gốc Á tại địa phương cho biết khi cư dân ở Dorchester, đối mặt với các hạn chế lựa chọn nhà ở thích hợp, đã dời đến ở các thành phố và thị trấn như Quincy, Randolph, Brockton và Weymouth (Chou, 2018).

Ví dụ như, hiện đang có kế hoạch tại Fields Corner, là xây dựng một công trình quy mô, lúc đầu dự kiến sẽ gồm năm tòa nhà có 362 hộ cho thuê, khoảng 37,000 feet vuông cơ sở thương mại và nhà đậu xe năm tầng (Smith, 2018). Lo ngại chồng chất thêm về việc thu mua bất động sản, cư dân và các tổ chức địa phương vận động thành lập một nhóm lấy tên là Dorchester Not For Sale gồm các thành viên gốc Việt, Cape Verdean, châu Âu và người Mỹ gốc Phi. Nhóm này tìm cách can dự vào tiến trình lập kế hoạch cho đề án, nhằm gây chú ý đến khả năng chi trả nhà ở, cơ hội tìm việc làm và bảo vệ các chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhờ đó, đề xuất sau được sửa đổi lại để bao gồm có thêm hộ nhà ở giá phải chăng hơn, một công viên thay vì bãi đậu xe và nhiều chỗ dành cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ (Logan, 2019).

Tóm lại, vận dụng sự kiên trì, thích ứng và phản kháng, người Mỹ gốc Á vững vàng củng cố vị trí của mình trong bức khảm đa màu tại thành phố Boston. Cộng đồng người Mỹ gốc Á đã phát triển và vững mạnh ở Dorchester cùng với các nhóm sắc tộc khác. Tuy nhiên, tương lai của sự bền vững và thịnh vượng của cộng đồng nhà, giống như các cộng đồng da màu khác ở Boston, vẫn chưa có gì chắc chắn.

[i] Cơ quan Kế hoạch và Phát triển Boston xếp chung người châu Á và người đảo Thái Bình Dương cùng một lớp, nhưng số người đảo Thái Bình Dương ở Dorchester rất là nhỏ.
[ii] Tỷ lệ phần trăm này căn cứ vào dân số năm 2010 trong 10 lãnh vực kiểm tra dân số quanh vùng Fields Corner như được định nghĩa trong Liu và Lo (2018).
[iii] Dữ liệu về người Mỹ gốc Việt là từ Kiểm tra dân số Hoa Kỳ 2015 5-năm ACS.