Người tạo thay đổi: Christine Nguyễn, điều phối viên trung tâm cộng đồng VietAID

Khi Christine Nguyễn bắt đầu công việc làm điều phối viên cho trung tâm cộng đồng tại tổ chức phi lợi nhuận VietAID vào tháng 3 năm nay, cô nghĩ mình sẽ chỉ làm công việc hành chánh, trông coi phòng ốc và giám sát các hoạt động của trung tâm cộng đồng. Nhưng rồi đại dịch ập đến.

Kể từ tháng 3, Christine đã phải điều hành một địa điểm phân phát bữa ăn cho trẻ em và thanh thiếu niên, giúp những người Việt không rành tiếng Anh nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp và giải đáp các thắc mắc của mọi người về COVID-19 tại Cơ quan ​​Phát triển Cộng đồng Việt Mỹ (VietAID) ở Dorchester.

Là một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai sinh ra ở Mỹ có cha mẹ là người di dân, Christine chuyển từ làm việc trong lĩnh vực y tế sang công việc cho tổ chức phi lợi nhuận và thực tập tại VietAID, nơi đây cô tìm hiểu về những thách thức mà người Việt hải ngoại phải đối mặt và cách mà các nhóm và cá nhân trong cộng đồng cùng chung vai giải quyết.

Christine cho biết cô lưỡng lự trước khi nộp đơn xin việc tại VietAID vì cảm thấy mình thiếu cơ hội tiếp xúc với cộng đồng nhưng dù thế nào cũng cố gắng thử xem sao. Cô nói: “Tôi không lớn lên trong cộng đồng người Việt, tôi không thấy tự tin vào tiếng Việt của mình. Nhưng thực tế là nói tiếng Anh từ lúc nằm nôi mang lại cho tôi nhiều lợi điểm và điều này quan trọng hơn nhiều so với sự chịu đựng của tôi. Có rất nhiều điều hay mà tôi có thể làm và tôi thấy mình phải làm điều đó ”.

Christine nói chuyện với báo Scope về việc làm tại VietAID trong đại dịch COVID-19, những thách thức mà cô phải đương đầu và những công việc cô muốn mọi người biết đến. Sau đây là bản tóm lược ghi lại bài phỏng vấn với cô.

Christine Nguyễn bên bàn làm việc. (Hình của Christine Nguyễn)

Hỏi: Đại dịch COVID-19 đã thay đổi những gì bạn đang làm tại VietAID như thế nào?

Đáp: Với đại dịch COVID-19 làm ngừng hầu hết các dịch vụ trực tiếp, việc quản lý trung tâm này mang ý nghĩa hơn rất nhiều vì trung tâm cộng đồng tại VietAID đã trở thành tụ điểm cung cấp các nhu yếu căn bản, như thực phẩm (tại đây là một địa điểm phân phát bữa ăn) và cả thông tin vì khi mọi người đến lấy thức ăn, chắc họ sẽ hỏi về những thứ đang xảy ra. Những câu hỏi như “Tiền trợ cấp đặc biệt của tôi ở đâu?” “Làm sao tôi có thể nhận được?” hoặc “Tôi hiện đang thất nghiệp, làm cách nào để được giúp làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp?” “Chừng nào sẽ mở cửa lại?” Và nhiều người, đặc biệt là những người lớn tuổi chỉ nói được một thứ tiếng, hoặc những người sống một mình, gặp trở ngại lớn về phương tiện liên lạc. Vì vậy, có chỗ để đến, có một nơi để đi, theo một nghĩa, tới một nơi nào đó để tìm được giúp đỡ mới thực sự quan trọng.

Hỏi: Bạn thích nghi với những thay đổi ra sao?

Đáp: Bạn biết đấy, lúc đầu, thực không có giờ để do dự. Nghe nói trung tâm sẽ trở thành một trong những địa điểm phân phát bữa ăn trên toàn thành phố rồi sau đó với việc giúp nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, tôi nhận được hàng chục cú điện thoại gọi mỗi ngày, không chỉ người ở Boston, mà còn ở nhiều thành phố khác trong vùng phụ cận, đặc biệt từ nhiều người Việt yêu cầu giúp đỡ hoặc thắc mắc về thất nghiệp chỉ vì họ không biết hỏi bằng tiếng Việt ở đâu. Tôi phải làm thêm rất nhiều giờ. Tôi cứ tưởng chúng ta cố qua một vài tuần rồi sẽ mở cửa lại sau một hoặc hai tháng. Bây giờ thì khác: “Giờ thì, chúng ta phải tính đường chịu đựng dài hạn, ít là tự nhủ. Mình sẽ làm cách nào để duy trì mức độ công việc này lâu dài đây? ”

Hỏi: Ở VietAID, bạn hỗ trợ cư dân nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp. Giúp ra làm sao vậy?

Đáp: Thật ra đây là việc của Dịch vụ Pháp lý vùng đại Boston (GBLS), và vì họ biết chúng tôi có một số nhân viên song ngữ, họ yêu cầu chúng tôi tiếp tay. Do vậy lúc đầu, khi mọi người gọi vào về xin trợ cấp thất nghiệp, chúng tôi chỉ ghi lại liên lạc để cho tình nguyện viên GBLS giúp họ điền đơn. Rồi từ đó, trở thành toàn bộ thủ tục, hiện VietAID có thể giúp những người thất nghiệp này điền đơn xin trợ cấp từ đầu đến cuối.

Có nhiều khi gặp một tiến trình khá phức tạp; chúng tôi giúp tải nộp bổ túc tài liệu cho những người cố gắng tự nộp hồ sơ, có thể họ biết một chút tiếng Anh hoặc có thể họ lo lắng sẽ bị mất quyền lợi nếu nộp trễ hoặc làm sai, vì thế chúng tôi cũng trợ giúp trong việc khiếu nại. Và để làm được những điều này, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với GBLS và đội ngũ luật sư của họ, những người làm việc với Sở Hỗ trợ Thất nghiệp để cố gắng bảo đảm cho tất cả những người hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đều nhận được hỗ trợ tài chính thỏa đáng.

Nhân viên VietAID gọi điện thoại thăm hỏi và tìm hiểu nhu cầu cư dân. (Hình của Christine Nguyễn)

Hỏi: Bạn cung cấp những loại thức ăn nào tại địa điểm phân phát bữa ăn, giờ nào và ai có thể xin được?

Đáp: VietAID hợp tác với YMCA và Project Bread để trở nên địa điểm phân phát bữa ăn cho trẻ em và thanh thiếu niên của trường công Boston. Bữa ăn này chính thực dành cho học sinh trường công Boston nhưng thực sự phát cho tất cả giới trẻ đến xin. Ban đầu, từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Mới đầu tháng này, chúng tôi phải thay đổi giờ từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều mỗi ngày làm việc. Địa điểm cung cấp vẫn tại trung tâm cộng đồng VietAID số 42 Charles St. Chúng tôi phân phát bữa sáng và bữa trưa ngoài hành lang cho giới trẻ và phụ huynh đến mà không cần mang theo con em. Họ chỉ cần đến và nói: “Ồ, tôi có ba đứa trẻ ở nhà,” và được chúng tôi cung cấp phần bữa ăn sáng và bữa ăn trưa cho.

Hàng ngày, chúng tôi cũng cung cấp một số bữa ăn nóng sốt cho người cao niên, chỉ bữa sáng và bữa trưa. Và vào mỗi thứ Sáu hàng tuần, chúng tôi có thêm các túi gồm đồ hộp và rau củ cho những người đến xin.

Hỏi: Bạn lấy tiền đâu để mua sắm túi đựng hàng tạp hóa?

Đáp: Nguồn túi hàng tạp hóa rất đa dạng, đôi khi được YMCA cho. Trong vài tháng qua, chúng tôi có người trong cộng đồng thực sự hào phóng hiến tặng rau củ tươi mà người Việt thường dùng trị giá đến hàng trăm đô la để phân phối vào thứ Sáu mỗi tuần. Và thỉnh thoảng chúng tôi cũng sử dụng kinh phí để tự mua rau củ tươi, vì đôi khi những túi hàng của YMCA cung cấp không thích hợp với khẩu vị nhiều người, nên chúng tôi cố gắng bổ sung những loại rau củ được sử dụng phổ biến trong bếp nấu thức ăn Việt.

Hỏi: Có bao nhiêu tình nguyện viên trong chương trình?

Đáp:
VietAID có nhận một khoản tài trợ từ thành phố về Phát triển Lực lượng Lao động để thuê những công nhân tạm thời, và đặc biệt là những công nhân thất nghiệp trong thời kỳ coronavirus và giúp họ phát triển các kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, tôi có một đội ngũ gồm ba người, kể thêm tôi hiện đang giải quyết vấn đề thất nghiệp. Đối với địa điểm phân phát bữa ăn, chúng tôi cũng đang sử dụng khoản trợ cấp mà chúng tôi có để thuê khoảng năm đến sáu công nhân làm việc tạm thời để phụ giúp. Chúng tôi hiện đang cố gắng dùng quỹ để phục vụ cộng đồng vì thực mọi người đều cần ngay bây giờ.

Công nhân VietAID tại hành lang phân phát bữa ăn. (Hình của Christine Nguyễn)

Hỏi: Động lực nào khiến bạn tiếp tục?

Đáp: Thật lòng mà nghĩ, tôi biết mình thực sự may mắn khi có được việc làm và tiền bạc tương đối ổn định. Điều đó cũng thúc đẩy tôi khi biết rằng có rất nhiều người khác cần được giúp đỡ. Và tôi luôn ghi nhớ điều này khi tôi thất vọng với những tương tác hàng ngày, có thể vì mọi người không giữ khoảng cách giữa nhau hoặc vì tôi phải lặp đi lặp lại về những điều như “những dịch vụ này không thể gặp trực tiếp, bạn phải gọi vào, vì chúng tôi phải cố gắng giữ mọi thứ an toàn”. Tôi tin việc này khích lệ tôi tiếp tục vì tôi biết rằng có rất nhiều người đang trông chờ vào công việc mà tôi và nhân viên chung quanh đang làm.

Hỏi: Bạn có ước mọi người biết về công việc của bạn?

Đáp: Tôi nhận ra được rằng trong giao tiếp của tôi với nhiều người là có lắm sự kết hợp. Ví dụ như, nhiều người không biết đến những dịch vụ này, vì vậy, họ đến trung tâm và nghĩ rằng mọi thứ đều do chính phủ cung cấp. Đã có người chỉ nói qua điện thoại với tôi mà tưởng là tôi làm việc cho Sở Trợ cấp Thất nghiệp và tôi phải giải thích rằng “Không, tôi không có, tôi không làm việc cho chính phủ; tôi chỉ làm việc cho một tổ chức cộng đồng và chúng tôi đang cố gắng giúp mọi người điều hướng qua các chương trình phúc lợi này”.

Lý do mà tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là mọi người phải biết dịch vụ đến từ đâu, là gì, và cho ai vì hiện VietAID và nhiều tổ chức cộng đồng khác đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống. Chúng ta đang ở trong một chặng đường dài như mong đợi, những gì chúng ta thực sự muốn làm là cố gắng thay đổi những chương trình phúc lợi bởi vì chính quyền phải được coi là tổ chức không bỏ sót một ai mà mọi người đều được chăm sóc. Và với tư cách là một tổ chức cộng đồng, chúng ta chắc chắn có thể cảm nhận được vai trò hỗ trợ, về lâu về dài, đó là thông qua vận động và đấu tranh cho những thay đổi luật lệ và chính là cách chúng ta có thể bảo đảm không chỉ trong khủng hoảng mà về lâu về dài mọi người đều có thể nhận được những giúp đỡ cần thiết.

Ha Ta, Biên tập
Ngày 27 tháng 7 năm 2020
https://thescopeboston.org/4251/q-a-changemakers/changemaker-christine-nguyen-vietaid-community-center-coordinator/