NVB: Xin cô Giám đốc cho độc giả NVB biết sơ lược về mình.
Lisette Lê: Tôi là một người di dân thuộc thế hệ đầu tiên, một nhà bênh vực và là một người mẹ có hơn 11 năm kinh nghiệm lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận. Tôi sinh ra ở Phan Rang, Việt Nam và đến Hoa kỳ năm 1990 theo chương trình HO 3. Gia đình tôi trước định cư ở Akron, Ohio; sau chuyển đến Phoenix, Arizona khi tôi còn ở bậc trung học. Tôi theo học Đại học Tufts tại Boston và tốt nghiệp Cử nhân Nghiên cứu Mỹ năm 2006. Hơn mười năm qua, tôi thâu thập được nhiều kinh nghiệp làm việc trong ngoài cộng đồng người Việt. Tôi rất cảm kích bởi sự kiên cường của cộng đồng và sự quyết tâm xây dựng tương lai cho giới trẻ. Tôi sống ở Dorchester với con trai tên Finnian Tiên, và chồng tôi, Alex. Nếu có thời gian rỗi rảnh , tôi thường đưa con đến công viên chơi hay làm thử các món ăn theo cách dạy nấu ăn của gia đình.
NVB: Cô nhận mình là người Mỹ gốc Việt. Làm thế nào để hài hòa giữa hai nền văn hóa?
Lisette Lê: Là người Mỹ gốc Việt chính là phần cốt lõi của bản sắc và kinh nghiệm trưởng thành. Đó là một tiến trình phát triển giúp tôi thích ứng với hai nền văn hóa đó. Tôi lớn lên ở Akron, Ohio, nơi có rất ít gia đình người Việt (hoặc người Mỹ gốc Á). Giống như nhiều thanh thiếu niên Mỹ gốc Á, tôi trăn trở với cội rễ của mình trong suốt thời trẻ vì mình là một người di dân, da màu và hơn nữa, chỉ là một trong đám trẻ có dạng giông giống tôi. Tôi không muốn nói tiếng Việt và thấy thích hợp hơn với văn hóa Mỹ như âm nhạc, thức ăn và nhạc pop; tôi muốn hòa nhập với các bạn cùng lớp không quen (hoặc thoải mái) với “nhóm người lạ”. Nhưng khi càng lớn lên, tôi nhận ra rằng bản sắc của tôi rất đa dạng và đó là điều đáng mừng.
NVB: Cô cũng nhận mình là một phụ nữ di dân trẻ – một người mẹ, một người bênh vực, một nhà tổ chức cộng đồng. Các kinh nghiệm và bản sắc khác nhau này đã ảnh hưởng đến riêng cô và đến công việc cô làm trong cộng đồng như thế nào?
Lisette Lê: Là một người di dân lớn lên ở một thành phố không có nhiều người gốc Á hoặc Việt Nam, tôi thực sự phải tự hỏi tôi là ai, và thành thật mà nói, phải mất một thời gian mới có được câu trả lời. Tuy nhiên, tiến trình đó giúp tôi mở rộng sự hiểu biết, cảm thông và làm tôi cảm thấy có liên hệ với nhiều người khác nữa. Tôi thấy tác động của sự phân biệt chủng tộc và tinh thần gia trưởng đã ảnh hưởng đến gia đình tôi và cho riêng cá nhân tôi. Rồi hơn nữa, nó ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Vì vậy, tôi làm đủ mọi cách để nâng cao phẩm giá của phụ nữ da màu và giới trẻ nói riêng bởi vì họ thường không có mặt khi có các quyết định liên quan. Lý do tôi say mê công việc này chỉ vì tôi tin vào tinh thần kiên cường của cộng đồng và vào quyết tâm tranh đấu cho sự bình đẳng.
NVB: Cô từng là thành viên của Hội đồng Quản trị VietAID. Cơ quan này và cộng đồng đã thay đổi như thế nào kể từ đó?
Lisette Lê: Vào thời điểm đó, tôi mới chuyển đến Dorchester mà công việc của tôi tập trung trên toàn thành phố và tôi muốn tìm về với nguồn gốc của mình trong cộng đồng người Việt. Kể từ đó, tôi thấy cơ quan này trải qua một số thay đổi. Hiện giờ, chúng ta đang ở trong một cơ quan có nhiều chuyên viên từng đảm nhận những chương trình quen thuộc suốt nhiều năm qua, cũng có thêm nhiều người mới; đây là một nơi vững vàng vừa tích tụ kinh nghiệm vừa kết hợp các ý tưởng mới. Chính bề mặt cộng đồng cũng đã thay đổi – cảnh quan đang chuyển đổi tại Boston. Chúng ta thấy nhiều người trong cộng đồng đang dọn ra khỏi Dorchester vì chi phí nhà ở tăng cao và việc đó bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt trên các mặt xã hội, giáo dục và thương mại. Giới lãnh đạo trẻ ở đây bắt tay vào, như trong NOVA (Tổ chức mạng cho người Mỹ gốc Việt), DOT-I (Sáng kiến Tổ chức Đào tạo Dorchester), v.v. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp do các thành viên trẻ trong cộng đồng làm chủ. Điều thực sự hứng khởi là người Mỹ gốc Việt chúng ta đang nỗ lực xây dựng để phát triển cộng đồng vững mạnh qua kết hợp của hai nền văn hóa. Chúng ta đang ở trong một vị trí vừa tôn vinh truyền thống của cha ông, trong khi vẫn có thể điều hướng nếp sống theo xã hội Mỹ.
NVB: Là Giám đốc Điều hành mới của Cơ quan VietAID, cô có gì vui nhất?
Lisette Lê: Tôi rất vui được làm việc với cơ quan VietAID và cả cộng đồng rộng lớn, đầy ước vọng cho tương lai của cộng đồng trong 5-10 năm tới. VietAID thật sự được vững vàng để trở thành trụ cột cho cộng đồng này và tôi rất phấn khởi được có dịp cải tiến chương trình và các dịch vụ hầu phục vụ tốt nhất cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại hải ngoại.
NVB: Cho đến bây giờ, cô đã làm việc cộng đồng trong một thời gian dài. Cô tìm cảm hứng và động lực từ đâu vậy?
Lisette Lê: Tôi liên tục tìm cảm hứng trong những người xung quanh mình, đặc biệt là những người dám đứng lên vì quyền lợi hoặc việc làm của chính họ để thấy được những khía cạnh mới về bản sắc. Khi tôi còn làm việc ở CPA, chúng tôi tranh đấu để có các lá phiếu song ngữ cho cộng đồng gốc Hoa và gốc Việt. Tuy tôi không cần những lá phiếu song ngữ này, nhưng đây là một chiến dịch đánh động cá nhân tôi, tôi bị vây quanh bởi những cụ già chỉ nói được một thứ tiếng nên cần lá phiếu song ngữ này. Và họ liên tục vận động việc này trong suốt 10 năm. Họ đã tranh đấu vì quyền tự mình đi bầu của họ và tôi nhận thấy rằng điều đó rất đáng nể phục.
NVB: Năm tới, kỷ niệm 25 năm thành lập VietAID – xin cô cho biết một số thành tựu đáng tự hào nhất của cơ quan trong thời gian qua.
Lisette Lê: Trường mẫu giáo Âu Cơ là một mô hình đáng hãnh diện. Là trường mầm non song ngữ, hai văn hóa đầu tiên và duy nhất ở Massachusetts, trường giúp mở đường cho các hệ thống giáo dục lưu ý đến sự hài hòa văn hóa. Chương trình giảng dạy của chúng tôi, nói chung, tập trung vào đứa trẻ và mục tiêu là đem các em đến trường hàng ngày với cảm giác được yêu thương và tự tin. Hầu hết các trẻ này đến từ những gia đình có lợi tức thấp, mà có được khung cảnh hỗ trợ này sớm trong cuộc sống của các em, sẽ giữ cho các em đi đúng đường không chỉ mơ về tương lai mà còn giúp tìm cách đạt được ước mơ ấy. Là một tổ chức gắn bó với cộng đồng người Mỹ gốc Việt và vùng lân cận, nơi cơ quan đang đặt trụ sở, chúng tôi tự hào rằng việc xây cất nhà ở của chúng tôi đang đóng góp cho cộng đồng vì giá cả phải chăng có lợi ích lâu dài. Việc cung cấp nhà ở cho các gia đình nếu không sẽ phải di dời ra khỏi thành phố, hoặc mặt khác sẽ sống trong tình trạng kém lành mạnh.
NVB: Cô nghĩ gì về tương lai của cộng đồng này trong vòng 5 năm, 10 năm tới?
Lisette Lê: Cộng đồng người Việt chắc chắn là một nhóm được công nhận ở Boston. Tuy nhiên, khi các quyết định chính được đưa ra, cộng đồng của chúng ta thường không có mặt tại nơi quyết định.
Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, quyền lực chính trị của cộng đồng người Việt sẽ phát triển để chúng ta có tiếng nói về những vấn đề chúng ta quan tâm, như phẩm chất giáo dục, bảo đảm sức khỏe và phát triển thương mại cho các doanh nghiệp nhỏ. Mặc dầu đi bỏ phiếu là quan trọng, nhưng quyền lực chính trị mạnh của cộng đồng cần phải vượt hơn điều đó. Đó là nên tham gia vào các cuộc nói chuyện về giáo dục của con em. Đó là làm sao cho học sinh có một tiếng nói trong chương trình giảng dạy và chính sách có ảnh hưởng đến chúng. Đó cũng có thể đơn giản là tham gia vào các sinh hoạt và hội họp của cộng đồng khu phố.
Tôi rất vinh dự được ở vào vị trí lãnh đạo tại VietAID và nhận biết rằng muốn cho cộng đồng của chúng ta phát triển mạnh, chúng ta sẽ cần nhiều tiếng nói hơn và đa dạng hơn. Viễn kiến của tôi là chúng ta ủy nhiệm và xây dựng kỹ năng cho thế hệ trẻ, những người Mỹ gốc Việt và những di dân mới đến để có thể đại diện và lãnh đạo cộng đồng sau này. Trong số những người này sẽ là các viên chức được bầu, các nhà giáo dục, các người vận động hoặc các nhà lãnh đạo cộng đồng.
Chú thích: Cô Lisette Lê, Giám đốc Điều hành Cơ quan VietAID, đã trả lời những câu hỏi phỏng vấn gởi đến của điện báo Người Việt Boston (NVB) và được đăng trên trang mạng: http://nguoivietboston.com