Khi người Mỹ gốc Á hứng chịu tỷ lệ nghèo đói và thất nghiệp cao, các nhóm cộng đồng nổ lực cung cấp các loại thực phẩm và bữa ăn miễn phí cho hàng ngàn người mỗi ngày.
Tình trạng thiếu thốn thực phẩm của người Mỹ gốc Á là một vấn đề dai dẳng nhưng thường bị lơ là, lại trở nên cấp bách hơn trong thời kỳ đại dịch. Để đáp ứng, cơ quan VietAID tại Boston đang cố gắng cung cấp các loại thực phẩm và bữa ăn miễn phí cho nhiều người trong cộng đồng (Hình của Amy Yee)
Vào một buổi trưa mùa đông mới đây, một hàng dài người mặc áo khoác ấm và nón chống lạnh, chờ đợi bên ngoài VietAID, một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng người Việt ở Boston.
VietAID, có trụ sở tại khu phố Dorchester, bắt đầu phân phát thực phẩm lần đầu vào tháng 3 năm ngoái để giúp đỡ cư dân Việt Nam và nhiều người khác đang gặp khó khăn trong đại dịch. Hơn 300 người hiện nhận được đủ loại thực phẩm miễn phí mỗi tuần từ VietAID và đối tác Fair Foods.
Bà Jasmine Deo, 77 tuổi, ở Dorchester, nâng chiếc túi căng phồng chứa đầy khoai tây, cam, cà chua, bông cải và một lon súp. Một ổ bánh mì và một hộp bánh bắp thò ra trên miệng túi.
Những đứa con lớn của bà từng có việc tại một tiệm làm móng, tiệm này đóng cửa vì đại dịch. Bà Deo nói với NBC Asian America: “Giờ thì chẳng ai có việc làm cả”.
Trên khắp nước Mỹ, những người gốc Á dễ gặp khó khăn – nhiều người trong số họ có thu nhập thấp, mới nhập cư, chưa có giấy tờ hợp lệ và già cả – đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực khi tình trạng thất nghiệp lên tới con số kỷ lục.
Ông Thoại Nguyễn, Giám đốc Điều hành của Liên minh các Hiệp hội Tương trợ Đông Nam Á (Seamaac), một tổ chức dịch vụ xã hội ở Philadelphia, cho biết: “Quy mô mất việc chưa từng có vì nhiều người chiếm tỷ lệ rất đông trong các công việc được trả lương thấp”.
Đói kém và thiếu lương thực là những vấn đề triền miên nhưng thường khó thấy ở người Mỹ gốc Á có thu nhập thấp. Đại dịch Covid-19 – ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành công nghiệp thuê mướn người Mỹ gốc Á kém lợi tức, như nhà hàng, tiệm ăn và hãng xưởng nhỏ – càng làm trầm trọng thêm khó khăn mưu sinh và nêu bật những thách thức trong việc giúp đỡ họ. Đối lại, các tổ chức cộng đồng từ Philadelphia đến San Francisco hiện đang cố gắng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về thực phẩm bằng cách phân phát các bữa ăn và các loại thực phẩm miễn phí.
Tổ chức Seamaac chẳng hạn, phân phát miễn phí khoảng 7.000 bữa ăn và các loại thực phẩm mỗi tuần. Một nửa số người nhận có gốc châu Á. Tháng này Seamaac, với tài trợ từ chính phủ liên bang, các tổ chức và tư nhân, sẽ phân phối hơn 500.000 phần nữa.
Ở khu vực San Francisco, Tổ chức Tự lực giúp Người cao niên đã cung cấp gần 5.000 bữa ăn mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm của đại dịch vào mùa xuân năm ngoái. Tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động chính với người cao niên châu Á, hàng ngày vẫn phục vụ khoảng 2.400 bữa ăn.
Ông Thoại Nguyễn nói: “Thiếu ăn từ lâu vẫn là một vấn đề ưu tư trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, nhưng hầu như không thể thuyết phục được bất kỳ tổ chức cứu đói chính thống nào rằng điều này là có thật và cấp bách.”
Trái ngược với quan niệm sai lầm phổ biến về sự giàu có và thành công của người Mỹ gốc Á, tỷ lệ nghèo đói của người Mỹ gốc Á ở Mỹ lại cao. Ví dụ như ở thành phố New York, cứ 4 người châu Á thì có 1 người sống trong cảnh nghèo đói và một nửa có trình độ tiếng Anh hạn chế, theo tổ chức phi lợi nhuận của Liên đoàn người Mỹ gốc Á (AAF). Trong khi đó ở Boston, tỷ lệ nghèo của người Châu Á là gần 26.6% so với 23% ở người Da đen trên toàn thành phố, theo một báo cáo năm 2014 của Cơ quan Tái phát triển Boston.
“Những con số thống kê về nghèo đói của châu Á khiến người ta phải há hốc mồm ra. Huyền thoại về những người Mỹ gốc Á giàu có thực sự tạo rào cản cho cộng đồng chúng tôi”. Bà Jo-Ann Yoo, Giám đốc Điều hành của AAF ở New York cho biết.
Tại thành phố New York, tỷ lệ thất nghiệp ở người châu Á đã tăng lên 25% vào năm ngoái – mức tăng lớn nhất trong tất cả các nhóm sắc tộc, theo một báo cáo của AAF được công bố vào mùa thu năm ngoái. Tại California, 83% người Mỹ gốc Á có trình độ từ trung học trở xuống nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, so với 37% ở người không phải gốc Á, theo một báo cáo của UCLA từ các nhà nghiên cứu vào tháng 7 năm trước.
Sáu trong số các đối tác phi lợi nhuận của AAF đã tăng cường các chương trình thực phẩm dành cho người cao tuổi hiện có, năm ngoái, họ đã phân phát thực phẩm hơn 19.000 lượt cho 2.800 người cao tuổi châu Á.
Cô Lisette Lê, Giám đốc Điều hành của VietAID, cũng nêu ra rằng trẻ em đủ tiêu chuẩn được ăn trưa miễn phí ở trường cũng có ít lựa chọn bữa ăn hơn trong khi trường học vẫn đóng cửa.
Ngoài việc phân phối các loại thực phẩm, VietAID, có chương trình thực phẩm được tài trợ bởi thành phố Boston và các nguồn khác, phục vụ các bữa ăn mang về cho hơn 125 gia đình mỗi ngày với đối tác Boston YWCA. Vào thời điểm bắt đầu đại dịch, VietAID đã cung cấp thực phẩm cho đến khoảng 125 người cao niên mỗi tuần.
VietAID, một tổ chức phi lợi nhuận ở Boston, phân phát miễn phí các loại thực phẩm và bữa ăn cho cộng đồng gốc Việt (Hình của Amy Yee)
Năm ngoái, VietAID cũng đã hợp tác với Hiệp hội Người Hoa Tiến bộ (CPA), một tổ chức phi lợi nhuận ở Boston và các nhóm khác để thuê 78 người trong cộng đồng lo chuẩn bị và phân phát bữa ăn.
Ngay cả các tổ chức cộng đồng châu Á trước đây không hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ nạn đói nay cũng chuyển sang trợ giúp về thực phẩm vì nhu cầu cấp thiết. Chinese for Affirmative Action (CAA), một tổ chức phi lợi nhuận ở San Francisco thường hoạt động về các vấn đề chính sách, như nhập cư và giáo dục, hiện cung cấp trợ giúp về thực phẩm. Trong đợt đại dịch, nhóm này đã trợ giúp về thực phẩm cho khoảng 750 người.
Cô Annette Wong, Giám đốc Chương trình CAA cho biết: “Thực phẩm, nhà ở và việc làm là những mối quan tâm hàng đầu”. Cô nhớ lại một người đàn ông gốc Hoa đã bật khóc khi gọi cho CAA, thất vọng não nề sau khi xếp hàng nhiều giờ tại một địa điểm phát thực phẩm.
Cô Wong nói: “Ông ấy nói tiếng Quảng Đông ‘và đã rơi tột cùng xuống đáy’. Con người đang ở trong tình huống tuyệt vọng và thật thê thảm”.
Nhưng không rõ chương trình sẽ kéo dài được bao lâu. Nguồn tài trợ cho việc phân phát thực phẩm của CAA, đến từ chương trình quyên góp trực tuyến Give2SF của thành phố, sẽ sớm kết thúc nay mai.
Một lợi ích quan trọng của các tổ chức cộng đồng địa phương thực hiện công việc này là họ có thể thu hẹp các rào cản ngôn ngữ vốn là trở ngại lớn để nhận được sự hỗ trợ và có thể giúp điều hướng thủ tục hành chánh gây khó khăn cho ngay cả đối với những người nói tiếng Anh bản xứ. Ví dụ như, Seamaac làm việc với những người nói 22 thứ tiếng và phương ngữ khác nhau. Vượt qua những rào cản văn hóa như sự nhút nhát – phổ biến ở các nền văn hóa Á châu – là một thách thức khác.
Nhưng các tổ chức cộng đồng thường thiếu nhân lực mà quá nhiều việc. Năm ngoái, tổ chức Chinese Progressive Association ở Boston đã bị choáng ngợp với hơn 4.000 lời yêu cầu giúp đỡ xin trợ cấp thất nghiệp, xin nhà, về quyền của người lao động và xin quỹ trợ giúp đặc biệt. Theo hiệp hội, số cuộc điện thoại gọi tăng 500% so với năm 2019.
Dịch vụ Greater Boston Legal Services thường không phụ trách tình trạng người thất nghiệp. Nhưng tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp pháp lý này, có một ban tiếp cận châu Á, đã chuyển nhân lực và trợ giúp khách hàng điền khoảng 1.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào năm ngoái.
Cô Lisette Lê ở VietAID cho biết: “Những người Mỹ gốc Á khốn khổ còn phải đối mặt với mối đe dọa bị đuổi nhà và hết trợ cấp thất nghiệp – nếu họ có được chính phủ trợ giúp đi chăng nữa. Không phải tất cả những người làm trong tiệm nail, nơi sử dụng nhiều người Việt nhập cư, đều đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp của chính phủ nếu họ chỉ là người làm công nhận tiền mặt thay vì được chủ trả lương.
Những người gốc Á sống bất hợp pháp cũng không đủ điều kiện để được chính phủ hỗ trợ. Dù có đến 1.2 triệu di dân không giấy tờ hợp lệ – trong số có 1/7 người nhập cư gốc Á – đang sống ở Hoa Kỳ. Hơn 463.000 người sống ở California và gần 167.000 người ở New York.
Bà Jo-Ann Yoo của AAF phát biểu: “Họ không cảm thấy thoải mái được ở nhà đâu. Họ sống nhờ lòng thương hại của các tổ chức và hiệp hội hỗ trợ lẫn nhau”. Nhiều người quá “sợ hãi” khi phải tiết lộ tình trạng của họ để được nhận ngay cả các dịch vụ được thiết kế cho những người không có giấy tờ hợp lệ”.
Tại San Francisco, CAA phân phối thẻ cấp tiền để mua thực phẩm bất kể tình trạng di trú. Tuy nhiên, muốn nhận thẻ vẫn cần phải điền đơn theo thủ tục, điều này có thể làm nản lòng những người gốc Á không có giấy tờ hợp lệ, những người này lo sợ rằng tên tuổi cá nhân có thể bị chuyển cho cơ quan di trú. Ông Wong cho biết, ngay cả những người có thẻ thường trú cũng còn ngần ngại nhận trợ giúp lương thực, vì lo rằng việc nhận trợ cấp từ công quyền có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội trở thành công dân sau này.
Bà Jo-Ann Yoo cho biết, các cuộc tấn công và quấy rối chống người gốc Á ngày càng gia tăng trong thời kỳ đại dịch khiến một số người không dám ra ngoài mua sắm. Tại New York, AAF và các tổ chức đối tác đã ghi nhận khoảng 500 trường hợp báo cáo về bạo lực và sách nhiễu.
Mới đầu tháng này, một ông Mỹ gốc Phi luật tân 61 tuổi đã bị rạch mặt trên xe điện ngầm ở New York. Tại vùng vịnh, một ông gốc Thái 84 tuổi bị giết khi đi dạo buổi sáng ở San Francisco, và một ông khác 91 tuổi bị tấn công ở khu phố Tàu của thành phố Oakland.
Người già yếu có thể là mục tiêu, đặc biệt nếu họ sống một mình. Bà Jo-Ann Yoo kể lại câu chuyện về những người lớn tuổi gốc Á “đi mua sắm nhưng bị lũ trẻ đánh đập và cướp tiền của họ”.
Do sự gia tăng của tội ác thù hận và hành hung, cũng như phương tiện giao thông công cộng hạn chế hơn, bà Winnie Yu, giám đốc chương trình tại Self-Help for the Elderly, dự đoán nhu cầu về bữa ăn giao tận nhà sẽ gia tăng ngày càng nhiều. Bà Yu nói: “Những người già “ngại ngùng bước ra khỏi cửa”, không chỉ vì Covid mà còn vì sự an toàn của chính họ. Chúng tôi đang phải đối phó với hai đại dịch, một do bạo lực và một do dịch bệnh”.
Ông Nguyễn ở Seamaac nhớ lại việc đối mặt với những lời chế nhạo và dè bỉu về chủng tộc trong khi phân phát thực phẩm ở Philadelphia cho những người không thuộc gốc Á nhận bữa ăn hoặc thực phẩm miễn phí. Khi ông nói thẳng vào mặt họ, họ phải xuống nước. Ông nói: “Tôi biết họ ám chỉ mình, nhưng tôi không cam chịu dễ trở thành nạn nhân của những tay kỳ thị chủng tộc đó đâu”..
Amy Yee
Theo NBC Asian America ngày 24/2/2021
Bài được viết với sự hỗ trợ của Economic Hardship Reporting Project