Định kiến về ‘Nhóm thiểu số kiểu mẫu’ che khuất việc đối mặt với sự thiếu thực phẩm của người Mỹ gốc Á

Tình trạng nhập cư và rào cản ngôn ngữ từ lâu đã khiến cho việc tiếp cận thực phẩm ở một số cộng đồng người Mỹ gốc Á trở thành một thách thức. Nạn đại dịch và những làn sóng bạo lực và quấy rối gần đây đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Khi Christine Nguyễn bắt đầu làm việc tại VietAID, một tổ chức phi lợi nhuận ở Boston cung cấp dịch vụ cho cộng đồng di dân gốc Việt vào tháng 3 năm 2020, cô chỉ chuẩn bị để giám sát các chương trình như chăm sóc trẻ em song ngữ và lãnh đạo thanh thiếu niên. Nhưng hai tuần sau, đại dịch COVID-19 ập đến, và công việc của Christine chuyển sang nuôi ăn cộng đồng.

“Một trong những công việc đầu tiên của chúng tôi là làm việc với thành phố và một số đối tác tại địa phương để thiết lập việc phân phối thực phẩm,” cô nói. Ngay lập tức, họ mở rộng quy mô các dịch vụ mà họ phải cung cấp vì nhu cầu quá lớn.

Christine nhận được hàng chục cú điện thoại mỗi ngày, và vì là một trong số ít các cơ sở mở cửa trong thời gian đại dịch, trung tâm VietAID luôn tràn ngập mọi người. “Tôi đã gặp nhiều cư dân mà tôi chưa từng thấy trước đây — hàng vài chục người, có thể đến hàng trăm người”. Cả những người bên ngoài khu vực lân cận mới nghe về VietAID mà cũng đến để xin giúp đỡ.

Ngay sau đó, cô hiểu rằng phân phối thực phẩm là thêm một cửa ngõ để cung cấp một số dịch vụ xã hội. Christine cho biết: “Các vấn đề liên quan với nhau. Tình trạng thiếu thốn lương thực, thất nghiệp, sự bấp bênh về mưu sinh nói chung, thông tin sai lệch về COVID, nhiều nỗi lo sợ về bạo lực. Tất cả đều đan kết với nhau.”

Vào năm 2020, Feeding America, mạng lưới ngân hàng thực phẩm quốc gia, ước tính rằng 45 triệu người và 15 triệu trẻ em không được tiếp cận liên tục với thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng. Vào năm 2021, con số đó được dự đoán sẽ giảm nhẹ, nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, hơn 11% hộ gia đình ở Hoa Kỳ bị rơi vào tình trạng thiếu lương thực.

Tuy nhiên, bạn có thể không hình dung ra khuôn mặt của người Á châu khi nghĩ về những ai bị đói ở đất nước này. Người Mỹ gốc Á thường vắng bóng rõ rệt trong các bài tường thuật về nghèo và đói mà một nguyên nhân góp phần vào sự vắng mặt này là định kiến ​​“thiểu số kiểu mẫu”, nhằm che lấp tình trạng thiếu lương thực trong cộng đồng cư dân này.

Điển hình: Khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố bảng tóm tắt về tình trạng thiếu lương thực theo chủng tộc và sắc tộc trải dài từ năm 2008 đến năm 2017, đã phân loại những người đối mặt với vấn đề này là người gốc Tây Ban Nha, Da đen, Da trắng/không phải gốc Tây Ban Nha. hoặc sắc tộc khác/không phải gốc Tây Ban Nha. Chưa hết, người Mỹ gốc Á chiếm 6% dân số, và dữ liệu cho thấy nạn nghèo đói trong nhóm này – đặc biệt là người già, người mới nhập cư và người không có giấy tờ – là một vấn đề thật nghiêm trọng, rồi càng trở nên tồi tệ hơn vì đại dịch.

Theo một báo cáo từ Đại học California, Los Angeles, tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc Á là 21 phần trăm vào năm 2020, so với 16 phần trăm ở người Mỹ da trắng; nó thậm chí còn tăng vọt lên 25 phần trăm ở Thành phố New York. Theo một nghiên cứu khác gần đây, các hộ gia đình châu Á và La tinh thường ngại ra ngoài mua thực phẩm hơn bất kỳ nhóm nào khác, và các hộ gia đình châu Á lại hay gặp phải các vấn đề về giao thông khi mua thực phẩm ”.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng những người tham gia nghiên cứu không được hỏi cụ thể về lý do họ sợ hãi. Nhưng họ và các nhà nghiên cứu khác thảo luận về sự căm ghét và phân biệt chủng tộc đối với người châu Á và người Mỹ gốc Á đã gia tăng như thế nào kể từ khi đại dịch bắt đầu, và rằng sự gia tăng các cuộc tấn công vì kỳ thị chủng tộc có thể gây ra nỗi sợ hãi và lo lắng về việc rời khỏi nhà để đi mua thức ăn. Ác cảm chống lại người châu Á càng được khuếch đại bởi những lời hùng hổ từ một số nhà lãnh đạo nổi tiếng, những người đã sử dụng các thuật ngữ như “China virus” và “kung flu” để làm vật tế thần cho cả một chủng tộc.

Việc liên tục thiếu tiếp cận với thực phẩm sẽ gây tổn thương cho bất kể bạn thuộc chủng tộc nào. Nhưng sự vắng mặt đáng kể của người Mỹ gốc Á trong cuộc bàn thảo về tình trạng thiếu lương thực khiến họ trở nên vô hình. Và sự thiếu sót thừa nhận này cho thấy họ có thể ít được tính đến khi các nhà hoạch định chính sách định hình các chương trình xã hội hoặc có hỗ trợ của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực.

Khi thảo luận đến người Mỹ gốc Á, dù trên phương tiện truyền thông hay trong mặt học thuật, họ thường được miêu tả như một thiểu số gương mẫu. Định kiến ​​này dường như cho rằng tất cả người Mỹ gốc Á đều xuất sắc về mặt học thức, kinh tế và tâm lý; và họ ít mắc các khiếm khuyết thường lan truyền trong nhiều nhóm thiểu số khác. Mặc dù khuôn mẫu này đã được mổ xẻ và phần lớn được vạch trần trong nghiên cứu khoa học xã hội, nhưng nó vẫn chưa biến mất. Và sự vắng mặt của người Mỹ gốc Á trong các cuộc thảo luận xây quanh tình trạng thiếu hụt lương thực thường phản ánh đậm nét biệt tăm của người Mỹ gốc Á trong lăng kính chủng tộc trong xã hội Hoa Kỳ. Khi hầu hết người Mỹ nói về “chủng tộc”, “đa dạng” và “hòa nhập”, cuộc thảo luận chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ giữa người Da trắng-Da đen mà thường loại bỏ những người thuộc các nhóm sắc tộc khác.

Định kiến ​​về thiểu số kiểu mẫu cũng che khuất sự không đồng nhất trong các nhóm sắc tộc châu Á. Rất ít nghiên cứu đề cập đến chủ đề này nói thẳng đến nhu cầu tách biệt dữ liệu sắc tộc. Ví dụ, vào năm 2018, một nhóm các nhà nghiên cứu đã công bố dữ liệu về sự thiếu lương thực của người Mỹ gốc Á ở California dựa trên Khảo sát Phỏng vấn về Sức khỏe ở California. Đây là một trong những đánh giá đầu tiên về tình trạng thiếu lương thực giữa các phân nhóm người Mỹ gốc Á, và các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng người Mỹ gốc Á hiếm khi được nhắc đến trong các cuộc đàm luận về tình trạng thiếu thực phẩm. Thật không may, họ chỉ có thể truy cập vào dữ liệu của người Mỹ gốc Hoa, Philippines, Nam Á, Nhật, Hàn và Việt Nam. Họ lưu ý rằng vì có quá nhiều nhóm sắc tộc khác biệt được gom lại dưới một dạng thống kê duy nhất, họ có nguy cơ lẫn lộn kinh nghiệm của các nhóm sắc dân rất khác hẳn nhau.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ thiếu lương thực cao nhất ở người Mỹ gốc Việt là (16%), trong khi tỷ lệ thấp nhất ở người Mỹ gốc Nhật (2%). Người Mỹ gốc Việt cũng có tỷ lệ nghèo cao hơn một chút so với một số phân nhóm người châu Á khác trong nghiên cứu – điều này rõ ràng liên quan trực tiếp đến khả năng mua thực phẩm.

Người Mỹ gốc Á thường được coi là thành công về kinh tế một cách đồng đều. Tuy nhiên, trên thực tế, thu nhập hộ gia đình của người Mỹ gốc Ấn Độ, Philippines, Nhật và Hoa thường được tìm thấy ở mức cao hơn của tầm độ giàu có, trong khi người Mỹ gốc Campuchia, Lào, Hmong và Việt Nam thường sống thấp hơn mức độ nghèo đói theo liên bang hoặc phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp quanh năm. Khoảng cách ngày càng lớn giữa hai nhóm này làm phức tạp thêm mẫu chuyện chung, một chiều về biệt lệ của người Mỹ gốc Á.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy mối quan hệ đáng kể giữa tỷ lệ thiếu lương thực và mức hội nhập thấp ở một số phân nhóm châu Á (Trung quốc, Việt Nam và Hàn quốc). Mức hội nhập thấp có liên quan đến khả năng tiếng Anh hạn chế, điều này có thể tương quan tới tiềm năng và thoải mái của một người khi tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nó cũng có thể liên quan đến cơ hội có ít việc làm hơn và mức lương thấp hơn, rồi cả hai đều có thể dẫn đến khó khăn hơn khi đi mua thực phẩm.

Có lẽ đáng kể nhất, sự xấu hổ và mất thể diện là đặc điểm nổi bật trong nhiều nền văn hóa châu Á, được ghi nhận rộng rãi là trực tiếp kiềm hãm con người muốn tìm sự giúp đỡ, bao gồm cả việc kiếm sự chăm sóc sức khỏe tâm thần. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự kỳ thị hoặc xấu hổ khi cần phải đến nơi phân phát thực phẩm hoặc tham gia vào Chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP) được cảm thấy ở người Mỹ gốc Á, những người cũng không chắc liệu họ có thể tìm được những thức ăn truyền thống thông qua các chương trình như vậy. Và trong khi sự kỳ thị và xấu hổ thường cảm thấy khi tìm sự trợ giúp, thì sự mất mặt này trong các nền văn hóa châu Á có thể dính dáng cụ thể trong việc tìm hiểu lý do tại sao những nhóm này thường ngại ngùng khi đi xin giúp đỡ.

Làm thế nào để chúng ta thay đổi câu chuyện xung quanh người Mỹ gốc Á và tình trạng thiếu lương thực? Nếu chỉ kể đến người Mỹ gốc Á – và tách biệt khỏi các nhóm sắc tộc – trong việc thu thập và phân tích dữ liệu về tình trạng thiếu lương thực sẽ cần một chặng đường dài, cũng như điều tra mối liên hệ giữa mức độ hội nhập, cách sử dụng ngôn ngữ chính, việc làm, thu nhập và việc tiếp cận thực phẩm. Nhưng điều quan trọng là phải tìm hiểu câu chuyện phổ biến chung quanh người Mỹ gốc Á và thực phẩm, đặc biệt là khi nói đến các giả định về sự phong phú.

Ví dụ, tiệm ăn Tàu bán các món ăn rẻ mang đi có mặt hầu hết ở mọi nơi, kể cả ở các thị trấn nhỏ. Một số đầu bếp Á châu và người Mỹ gốc Á (hầu như chỉ là nam giới) cũng đang được chú ý trong những năm gần đây, từ Martin Yan và Ming Tsai đến David Chang và Roy Choi. Do đó, trong khi người Mỹ gốc Á thường gắn liền với món ngon, thì mối liên hệ này thường thấy được trong phạm vi phong phú và dồi dào — không phải trong bối cảnh thiếu thốn và khan hiếm.

Thức ăn châu Á cũng dễ tiếp cận hơn nhiều so với những năm trước: sushi có thể được tìm thấy trong các cửa hàng tiện lợi hoặc trạm xăng, trong khi mì gói, cà ri và kim chi đều được bán tại Walmart. Và chủ đề phong phú này cũng biểu hiện qua hình ảnh của người Mỹ gốc Á trong văn hóa đại chúng. Các bộ phim người Mỹ gốc Á gần đây — Crazy Rich Asians, Always Be My Maybe, The Farewell — đều có món ăn trong những cảnh quan chính nói về việc tụ họp trong các gia đình, dù là trong dịp ăn mừng hay tang tế. Tuy nhiên, hiếm có bộ phim nổi tiếng nào cho thấy các gia đình phải chật vật để có đủ ăn.

Đã đến lúc chúng ta nên có một bức tranh cân bằng và chính xác hơn về người Mỹ gốc Á với thực phẩm. Chúng ta hãy cố gắng giải quyết tình trạng bị xóa nhòa và mất cân đối này bằng cách lên tiếng và ủng hộ việc hòa nhập và tiêu biểu, từ việc loan tin trên phương tiện truyền thông đến nghiên cứu khoa học xã hội và sức khỏe cộng đồng. Chỉ khi nhận ra rằng sự phong phú và khan hiếm đều là những phần chính đáng, liên kết với nhau trong câu chuyện của người Mỹ gốc Á, thì chúng ta mới có thể thực sự bắt đầu loại bỏ huyền thoại mô hình thiểu số một chiều và bắt đầu giải quyết nạn đói và thiếu lương thực trong các cộng đồng người Mỹ gốc Á trên khắp đất nước.

Teresa Mok
Ngày 8 Tháng 4 Năm 2021

Tiến sĩ Teresa Mok có bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng và có giấy phép hành nghề; lĩnh vực chuyên môn của bà là sức khỏe tâm thần của người Mỹ gốc Á, bao gồm định kiến, hình ảnh truyền thông và vai trò giới tính. Các bài viết của bà được đăng trên Tạp chí Hyphen và các tạp chí học thuật.