Một Báo cáo mới được công bố dựa trên các cuộc phỏng vấn với các thợ làm móng – nhiều người trong số họ làm việc hoặc sống ở Dorchester – nêu chi tiết những thách thức mà ngành này phải đối mặt và lực lượng lao động phần lớn là người nhập cư bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch.
Cơ quan Phát triển Cộng đồng người Mỹ gốc Việt (VietAID) ở Fields Corner và Dịch vụ Pháp lý Boston và vùng phụ cận (GBLS) đã công bố Bản báo cáo “Tiếng nói của chúng ta” vào tuần trước. Dựa trên 52 cuộc phỏng vấn với các người thợ làm móng từ năm 2016 đến năm 2020 và hồi đáp của khảo sát từ cả công nhân lẫn chủ tiệm trong thời đại dịch, cuộc khảo sát đã làm sáng tỏ những sai sót trong ngành có trước COVID-19, và từ đó lại tăng thêm đáng kể.
Cô Thảo Hồ, thành viên của VietAID và GBLS, cho biết: “Ngành làm móng ở Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều phụ nữ nhập cư từ châu Á, và người Mỹ gốc Việt có mức lương thấp, chiếm một nửa lực lượng lao động trên toàn quốc trong ngành này. Tại Massachusetts ngành làm móng khá đông đảo, với hơn 1,500 tiệm làm móng.”
Nhiều công nhân được trả theo hoa hồng chứ không lãnh lương cố định, một thực tại khiến nhiều người gặp khó khăn trong thời gian đóng cửa. Bản chất của việc làm phải tiếp xúc khiến người thợ không thể làm việc từ xa.
Theo một công nhân trong bản báo cáo, người được yêu cầu giấu tên, cho biết cô thật khổ sở trong suốt thời gian bị đóng cửa, mặc dù cô cũng nhận được trợ cấp thất nghiệp. Cô nhận thấy rằng mình cần phải đi làm trở lại trong thời gian mang thai, khi lệnh ở nhà được dỡ bỏ vào tháng 6 năm 2020.
Cô nói: “Tôi phải gắng gượng buộc mình đi làm trở lại dù đang mang thai, có bụng rất to trong khi đi làm. Tôi biết tôi phải quay trở lại làm việc vì thực sự những khoản trợ cấp nhận được không đủ để chi phí cho những thứ như tiền thuê nhà, thực phẩm và những tiện nghi khác cho gia đình. Tôi phải trở lại làm việc và cố gắng hết sức để sống còn trong trận đại dịch”.
Các chủ tiệm – bị sụt giảm doanh thu lên tới 35% vào năm ngoái – cũng đang gặp tình trạng khó khăn. Theo nghiên cứu, sự tăng trưởng dự kiến trong ngành làm móng sẽ cao thêm13% so với thập niên trước đại dịch. Thay vào đó, doanh thu lại sụt giảm trung bình khoảng 35%, nhiều chủ tiệm phải sa thải nhân viên.
Bản báo cáo ước tính rằng ngành này sẽ mất 5 năm để phục hồi hoàn toàn.
Cô Thảo Hồ cho biết: “Khi các chủ doanh nghiệp nhỏ bị đánh động mạnh, ảnh hưởng sẽ truyền xuống lực lượng công nhân và tác động trực tiếp đến người thợ đang làm. Mặc dù các chủ tiệm có cố gắng đối phó với sự chậm lại bằng cách tăng giá dịch vụ, nhưng chúng tôi thấy rằng chỉ điều này thôi cũng không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng khách hàng”.
Khi các tiệm làm móng bắt đầu mở lại vào tháng 6 năm ngoái, nhiều người thợ đã phải lựa chọn giữa những lo ngại về sức khỏe và đem thu nhập ổn định về cho gia đình. Nghiên cứu cho thấy mối quan tâm chính của họ khi quay lại làm việc là an toàn sức khỏe, nhưng với các lựa chọn công việc hạn chế, việc quay trở lại tiệm làm dường như là lựa chọn khả thi duy nhất mà họ có để nuôi sống bản thân và những người thân yêu.
Một người thợ phát biểu: “Tôi rất lo lắng vì tôi có một đứa trẻ tám tuổi ở nhà, vì vậy tôi phải làm bất cứ điều gì để bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Điều đó bao gồm nên ăn uống một mình chứ không chung với các đồng nghiệp khác. Tôi biết rằng khi mọi người tụ tập lại, việc lây nhiễm Covid sẽ dễ dàng xảy ra”.
Bản báo cáo cũng đề cập đến sự gia tăng của làn sóng kỳ thị chủng tộc chống người châu Á trong nước và ảnh hưởng lan rộng như thế nào đến ngành làm móng suốt năm nay. Vì ngành này chủ yếu bao gồm nhiều phụ nữ châu Á nhập cư, bản báo cáo cũng nêu bật “sự gia tăng” của các luận điệu bài ngoại và sự hoảng sợ chống lại người gốc Á của công chúng.
Cô Janet Võ, một luật sư của tổ chức GBLS cho biết: “Trong thời điểm bạo lực gia tăng đối với người gốc Á, chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục cung cấp nguồn lực cho những người lao động đang cảm thấy gánh nặng của bạo lực có hệ thống và đối mặt với nỗi lo sợ về an toàn tại nơi làm việc. Chúng tôi cố gắng cho một sự thay đổi được xây dựng dựa trên các nguyên tắc vững vàng để giúp cả người lao động nhập cư và doanh nghiệp nhỏ thành công, đồng thời dựa trên những phát hiện của chúng tôi, ngành làm móng rõ ràng đang tìm kiếm các nguồn lực và giải pháp có lợi dài hạn cho cả chủ lẫn thợ”.
Cả hai cô Thảo Hồ và Janet Võ đều cho rằng chính phủ và các nhà lãnh đạo cộng đồng cần phải đẩy mạnh hơn để bảo đảm rằng những người thợ này không chỉ được bảo vệ trong chính cộng đồng của họ mà còn được cung cấp đủ kinh phí để đảm bảo các tiệm của họ cũng được hỗ trợ. Và cũng tùy vào công chúng nữa, ở những nơi như Dorchester, nên tiêu tiền bằng cách ủng hộ các tiệm địa phương.
Cô Janet Võ cho biết: “Trong việc hỗ trợ những người làm móng và các doanh nghiệp nhỏ, cộng đồng và nền kinh tế của chúng ta đều được hưởng lợi. “Ngành này chủ yếu bao gồm những người nhập cư, người nói tiếng Anh hạn chế, phụ nữ châu Á và người thợ lương thấp, tất cả họ cần được hỗ trợ rất nhiều khi tiểu bang mở lại và các hạn chế được dỡ bỏ.”
Taylor Driscoll
Phóng viên báo Dorchester Reporter
Ngày 2 tháng 6 năm 2021
Nguồn: https://dotnews.com/2021/report-nail-salons-workers-face-steep-climb-recovery