Deanna Pan
BBT báo Boston Globe
Ngày 16 tháng 9 năm 2021
“Xem những gì đang diễn ra ở Afghanistan trên TV, tôi cảm thấy như đang sống lại cơn ác mộng”, phát biểu của ông Nam Pham, Giám đốc Sở Giao thông Massachusett. (Hình của ERIN CLARK/GLOBE STAFF)
Thần cứu tinh nắm được Anh Vu Sawyer qua những cuộn kẽm gai, kéo cô vào bên trong khuôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975, và Sawyer, một sinh viên y khoa trẻ tuổi, nằm trong số hàng ngàn thường dân miền Nam Việt Nam trèo lên tường của đại sứ quán, tuyệt vọng trốn thoát khi quân cộng sản tiến vào thủ đô của nước cộng hòa đang sụp đổ.
Sawyer cầu nguyện khi lớp đệm xung quanh cô căng phồng, và kỳ diệu thay, một trong những lính thủy quân lục chiến canh gác tòa nhà nắm được tay cô kéo mạnh. Cha mẹ và anh chị em cô theo sau. Hàng rào thép gai dọc theo bức tường xé sạch quần áo của họ. Những dải vải bay lơ lửng trong không khí, giống như những chiếc đuôi của những cánh diều lững lờ, cuốn hút vào sóng hỗn loạn của những cánh quạt trực thăng đang xé gió quay cuồng.
Cuối cùng, khi cô trèo vào bụng của chiếc trực thăng và nghe thấy tiếng cửa đóng sập lại, Sawyer, người bị trầy xước và đầy máu, biết chắc rằng cô sẽ sống sót.
“[Sự khác biệt giữa] sự sống và cái chết mỏng manh như sợi tóc,” Cô Sawyer, Giám đốc Điều hành của Liên minh Đông Nam Á ở Worcester, hồi tưởng lại cuộc di tản điên cuồng của gia đình cô khi rời khỏi Việt Nam. “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi ở lại. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi không lên được trực thăng. ”
Giống như nhiều người tị nạn Đông Nam Á, phải di tản vì chiến tranh cách đây gần 5 thập niên từ Việt Nam, Lào và Campuchia, cô Sawyer theo dõi cuộc khủng hoảng bao trùm Afghanistan với sự đồng cảm và đau khổ. Sự rút lui nhanh chóng của các lực lượng Mỹ sau 20 năm xung đột, cuộc tiến chiếm thần tốc của Taliban đến thủ đô Kabul và sự hỗn loạn diễn ra sau đó – khi người Afghanistan chạy thục mạng trốn khỏi quê hương – là những hình ảnh nhắc nhở về quá khứ. Từ kinh nghiệm của chính họ, nhiều người tị nạn Đông Nam Á biết những tổn thương của chiến tranh sẽ còn kéo dài sau khi người Afghanistan đến được nơi trú ẩn an toàn của họ.
“Xem những gì đang diễn ra ở Afghanistan trên TV, tôi thấy như đang sống lại cơn ác mộng” ông Nam Pham, Giám đốc Sở Giao thông Massachusetts cho biết, khi Sài Gòn thất thủ ông mới 19 tuổi. “Thật không dễ dàng để làm một người tị nạn. Bạn phải bỏ lại mọi thứ bạn biết – mọi thứ bạn yêu thích, mọi thứ bạn mong muốn, mơ ước – ở hết phía sau”.
Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Hỗ trợ Người tị nạn và Di cư Đông Dương, mở cửa cho 130.000 người tị nạn Đông Nam Á trước cuối năm 1975, với sự giúp đỡ từ các nhà thờ và tổ chức từ thiện tình nguyện bảo trợ họ. Đạo luật Người tị nạn năm 1980 đã tiêu chuẩn hóa hệ thống tiếp nhận và tái định cư người tị nạn. Cuối cùng, 1,2 triệu người tị nạn Việt Nam, Campuchia, Hmong và Lào được phân tán đến các cộng đồng trên khắp đất nước, đại diện cho nỗ lực tái định cư lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Khi đất nước này chuẩn bị tái định cư cho hàng chục nghìn người Afghanistan trong những tuần tới, nhiều người Mỹ gốc Đông Nam Á đang thúc giục các quan chức thu nhận càng nhiều người tị nạn càng tốt, và đảm bảo họ sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn so với lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Những người khác thì mong muốn được đền đáp: Tổ chức của Sawyer đã chiêu mộ được 50 gia đình Việt Nam ở khu vực Worcester sẵn sàng cung cấp nơi ở cho những người Afghanistan sơ tán khi họ đến Massachusetts.
Cô Lisette Lê, Giám đốc Điều hành tổ chức phi lợi nhuận VietAID tại Dorchester, cho biết: “Nỗi lo lắng lớn nhất của tôi là chúng ta ngừng [giúp đỡ] sau khi họ đến, và bất cứ bên trách nhiệm nào – chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang, chính quyền thành phố, các nhà tài trợ, các tổ chức khác – ngừng cung cấp hỗ trợ sau một khoảng thời gian vì cho rằng lúc bấy giờ bạn có thể tự đứng vững được và cuộc khủng hoảng đã qua”.
Gia đình cô Lisette Lê tái định cư ở Akron, Ohio, vào năm 1990, trong khuôn khổ chương trình HO của đất nước dành cho cựu tù nhân trong các trại cải tạo ở Việt Nam. Lớn lên, cô và các gia đình Việt Nam khác hầu hết dựa vào sự giúp đỡ của một nhà thờ Công giáo địa phương. Mặt khác, cô Lisette Lê cho biết, không có dịch vụ xã hội nào giúp cha mẹ cô thích nghi với cuộc sống mới ở vùng Trung Tây, như học tiếng Anh. Cô thường phải thông dịch cho bố mẹ khi đi khám bệnh và trong các cuộc hẹn khác.
“Tôi ước có một nơi vui chơi giải trí cho bố mẹ tôi đến. Tôi ước gì có một trung tâm cộng đồng. Tôi ước rằng đáng lẽ chúng tôi có nhiều thứ khi lớn lên thế mà phải mất hơn 30 năm đến được Boston mới bắt đầu có”, cô nói. “Chúng tôi đã đến đây. Rốt cuộc, chúng tôi rất mang ơn khi có thể sống sót. Có tài nguyên dành giúp cho nhiều người, nhưng họ không có được”.
Nhiều thập niên sau, người Mỹ gốc Đông Nam Á vẫn phải vật lộn với tỷ lệ đói nghèo cao và trình độ tiếng Anh hạn chế, cô Lisette Lê lưu ý, cũng như khả năng tiếp cận nhà ở giá cả phải chăng. Theo Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á, một tổ chức dân quyền quốc gia, gần một nửa số người Mỹ gốc Đông Nam Á có thu nhập thấp và ít có khả năng hơn người da trắng và những người Mỹ gốc Á khác tốt nghiệp trung học hoặc hoàn thành đại học.
“Đã gần 50 năm,” cô Lisette Lê nói thêm, “mà [cuộc khủng hoảng] vẫn chưa kết thúc đối với nhiều người tị nạn.”
Ông Nam Phạm, 65 tuổi, lo lắng nhất về những vướng mắc đến sức khỏe tâm thần mà những người Afghanistan mới đến có thể đối mặt. Ông lớn lên trong bóng tối của chiến tranh, đeo đẳng theo gia đình ông từ làng này sang làng khác trên khắp đất nước Việt Nam. Khi họ nghe đài phát thanh loan báo rằng các lực lượng Bắc Việt đang tiến gần đến ngôi nhà của họ ven ngoài Sài Gòn, gia đình ông phải lựa chọn giữa việc ở hoặc đi. Vào ngày cuối cuộc chiến, họ lên một chiếc sà lan đông nghẹt trên sông Sài Gòn rồi gặp hải quân Hoa Kỳ chặn vài ngày sau đó. Họ được đưa đến một căn cứ hải quân ở Philippines và bay đến đảo Guam để làm thủ tục nhập cảnh. Điểm dừng chân đầu tiên của họ trên đất liền Hoa Kỳ là trại Fort Smith ở Arkansas, nơi chờ một người Mỹ bảo trợ.
Ông Nam Phạm hiểu hoàn cảnh của người Afghanistan, nỗi khổ của họ, và có lẽ, sự xấu hổ và tức giận của họ. Ông cảm thấy chính phủ Mỹ đã bỏ rơi và phản bội quân đội miền Nam Việt Nam. (Một người anh họ phục vụ trong Quân Lực miền Nam Việt Nam nói với ông rằng anh ta chỉ được phát 20 viên đạn và hai quả lựu đạn cho mỗi lần ra trận.) Và ông Nam Phạm vẫn mang nặng mặc cảm tội lỗi vì đã sống còn trong khi những người khác phải bỏ mạng.
“Phần khó khăn nhất là bạn cảm thấy thất bại trong việc bảo vệ đất nước của mình và bỏ rơi những người thân yêu ở lại,” ông nói. “Điều này có thể ám ảnh họ trong suốt một thời gian thật dài.”
Gia đình ông Nam Phạm sau cùng tái định cư ở Minnetonka, Minn., nơi có một nhà thờ địa phương đồng ý bảo trợ họ. Ông Nam Phạm kiếm được một công việc ở tiệm rửa xe, học tiếng Anh, rồi học đại học và cao học. Tuy nhiên, quá khứ vẫn chưa bao giờ tách rời xa khỏi ông. Trong nhiều năm, ông vẫn phải chịu dày vò bởi những cơn ác mộng bị cộng quân truy đuổi.
Ông nói: “Sống sót quả dễ dàng hơn nhiều so với sống thực tại. Trong vài năm đầu, cuộc sống của họ sẽ xoay quanh là làm thế nào để tồn tại, nhưng sau đó, từng bước chắc chắn họ sẽ thành công và có cuộc sống ổn định.”
Những chấn thương của chiến tranh và sự di dời đã để lại cho cô Phitsamay S. Uy, một giáo sư tại Đại học Massachusetts ở Lowell, mang đậm những vết sẹo tâm lý lâu dài. Cô Uy sinh năm 1973 tại Lào, vào những năm cuối cuộc chiến bí mật của CIA chống lại Pathet Lào, một nhóm cộng sản và đồng minh của Bắc Việt Nam. Từ năm 1964 đến năm 1973, máy bay chiến đấu của Mỹ đã thả hơn 2 triệu tấn bom đạn xuống Lào trong suốt 580.000 phi vụ ném bom nhằm chận đứng giao thông dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, tuyến đường tiếp tế khét tiếng chạy dọc qua Lào và Campuchia tạo điều kiện cho Bắc Việt tấn công miền Nam.
Sau khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, gia đình cô Uy chạy sang Thái Lan, ngụ ở trại tị nạn hai năm trước khi định cư ở Manchester, Conn., lúc cô Uy lên 6. Vài năm trước đây cô được chẩn đoán mắc PTSD sau khi thấy hình ảnh kinh hoàng của các đứa trẻ di cư bị giữ trong lồng ở biên giới Mỹ-Mexico.
Chứng kiến việc di tản hỗn loạn của người Afghanistan khiến cô Uy vô cùng đau lòng.
Cô nghẹn ngào nói trong nước mắt: “Khi tôi xúc động mạnh, tôi như một đứa trẻ 4 tuổi. Tôi phải trấn an cô bé, ‘Em bình yên rồi nào. Không sao đâu em’.”
Deanna Pan: deanna.pan@globe.com.
Theo trên Twitter @DDpan.