Bộ Lạc Này Từng Giúp Người Pilgrims Sống Sót Trước Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên – 400 Năm Sau Họ Vẫn Hối Tiếc Điều Đó

Bà Anita Peters, người Mashpee Wampanoags và thường được gọi là Mẹ Gấu, đóng gói quần áo và đồ đạc truyền thống từ wetu, một ngôi nhà truyền thống làm bằng gỗ còn vỏ, là một phần của Bảo tàng viện Thổ dân Da đỏ Mashpee Wampanoag, cách Plymouth, Massachusetts 30 dặm. (Hình của Josh Reynolds / The Washington Post)

Từ lâu bị gạt ra bên lề và bị xuyên tạc trong lịch sử Hoa Kỳ, các bộ lạc Wampanoags đang chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm 400 năm ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của người Pilgrims vào năm 1621.

PLYMOUTH, Mass.- Nhìn ra vùng nước lạnh giá của vịnh Plymouth, khoảng hơn ba chục du khách đang vây quanh một hướng dẫn viên kiểm lâm để nghe kể lại lịch sử của Plymouth Rock – biểu tượng nổi tiếng về địa điểm đổ bộ của người Pilgrims tại đây cách bốn thế kỷ trước.

Gần đó, một số người khác đang chờ đợi để lên thăm chiếc thuyền (mẫu đóng lại) Mayflower, con tàu đã chở người Pilgrims vượt đại dương hồi đó.

Ở một đỉnh đồi phía trên là một khu yên tĩnh tưởng niệm Thổ dân Da đỏ, những cư dân đã giúp cứu sống những người Pilgrims chết đói. Rất ít người bận tâm đến thăm bức tượng của Ousamequin – thủ lĩnh, hay sachem, của Đất nước Wampanoag, nơi mà dân số từng có từ 30.000 đến 100.000 người và ở trên vùng đất từng trải dài từ Đông Nam Massachusetts đến vài vùng của Rhode Island.

Từ lâu bị gạt ra bên lề và bị xuyên tạc trong lịch sử Hoa Kỳ, các bộ lạc Wampanoag đang chuẩn bị cho những gì sắp tới trong tháng này khi đất nước đánh dấu kỷ niệm 400 năm ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên giữa người Pilgrims và Thổ dân Da đỏ.

Nhưng theo các nhà sử học, lịch sử thực tế của những gì xảy ra vào năm 1621 có chút ít tương đồng với những gì mà hầu hết người Mỹ được dạy ở trường học. Dường như không có dọn gà tây. Không có đội chiếc mũ cắm lông. Và, khởi đầu, những người Pilgrims không có ý định mời người ở các bộ lạc Wampanoag đến dự bữa tiệc mà họ tổ chức.

Cũng như các nhà hoạt động cho người Mỹ bản địa đã yêu cầu dỡ bỏ các bức tượng của Christopher Columbus và thúc đẩy biến ngày lễ Columbus thành việc thừa nhận sự tàn nhẫn đối với người Bản địa, mà từ lâu họ phản đối cách thường được miêu tả về Lễ Tạ ơn.

Đối với các bộ lạc Wampanoag và nhiều người Mỹ Bản địa khác, ngày thứ Năm của tuần thứ tư trong tháng 11 được coi là ngày tang tóc chứ không phải là ngày ăn mừng.

Vì trong khi các bộ lạc Wampanoag giúp đỡ những người Pilgrims sống sót, sự tương trợ này đã kéo theo nhiều năm diễn ra nạn diệt chủng từ từ và chiếm đất của họ.

Để tìm hiểu lịch sử của các bộ lạc Wampanoag và những gì xảy ra với họ sau Lễ Tạ Ơn đầu tiên, một du khách phải lái xe khoảng 30 dặm về phía nam Plymouth đến thị trấn Mashpee, nơi có một bảo tàng khiêm tốn bằng ván nằm dọc bên đường. Bên ngoài, có một ngôi nhà truyền thống theo kiểu Wampanoag được làm từ cột cây tuyết tùng và vỏ cây dương, và một thuyền nan, chiếc xuồng độc mộc.

Trong video này, người Thổ dân Da đỏ trình bày cách tổ tiên họ sinh sống và kể lại mối giao hảo giữa bộ tộc Wampanoag và người Pilgrims Anh (Bản quyền của SmokeSygnals/Plymouth 400)

Bên trong ngôi nhà ba phòng là bà Mẹ Gấu, 71 tuổi, người Wampanoags ở Mashpee, đang khâu tay một chiếc mũ da hươu. Bà sống cả đời ở thị trấn này và được coi là một trong những người lưu giữ phiên bản Wampanoag của Lễ Tạ Ơn đầu tiên và cuộc gặp gỡ biến thành thảm họa kéo dài hàng thế kỷ đối với cư dân Mashpee, hiện chỉ còn khoảng 2.800 người.

Câu chuyện đó tiếp tục bị bỏ qua bởi khoảng 1,5 triệu du khách hàng năm đến viếng các bảo tàng và cửa hàng lưu niệm ở Plymouth. Còn bảo tàng Wampanoag thu hút khoảng 800 du khách mỗi năm.

Bà Paula Peters, người Mashpee Wampanoags, tác giả và nhà giáo dục về lịch sử người Mỹ bản địa, cho biết “chúng tôi không thừa nhận ngày lễ Tạ Ơn của người Mỹ… đó là một chuyện kể sai lạc và gạt chúng tôi ra ngoài”.

‘The Great Dying’

Một bức tượng của Ousamequin, tù trưởng, hay sachem, của Đất nước Wampanoag, nhìn ra vịnh Plymouth. (Hình của David Goldman / AP)

Wampanoag, tên có nghĩa là “Người của Ánh sáng Ban đầu” theo tiếng mẹ đẻ, thuộc gốc tổ tiên có ít nhất 10,000 năm ở phía đông nam Massachusetts, một vùng đất mà họ gọi là Patuxet.

Vào những năm 1600, họ sống trong 69 ngôi làng, mỗi làng có một trưởng làng, hay sachem, và một thầy thuốc. Họ có những “người chạy tin”, người trong bộ tộc có trí nhớ tốt và dẻo dai để chạy đến những làng lân cận đưa tin.

Họ ngụ trong một vùng đất rộng lớn, săn bắn nai, nai sừng tấm và gấu trong rừng, đánh cá trích, cá hồi, bắt chim cút ở sông và vịnh. Họ trồng bắp và dùng xương cá làm phân bón. Vào mùa đông, họ di chuyển vào đất liền tránh thời tiết khắc nghiệt, và vào mùa xuân, họ trở lại ven biển.

Họ buôn bán – và chiến đấu – với các nhà thám hiểm châu Âu từ năm 1524.

Năm 1614, trước khi những người Pilgrims đến, người Anh dụ một thủ lãnh người Wampanoag nổi tiếng tên Tisquantum, mà người Anh gọi là Squanto – và 20 người đàn ông Wampanoag khác lên một con tàu với ý định bán họ làm nô lệ ở Malaga, Tây Ban Nha. Nhưng ông Squanto tranh đấu nhiều năm quyết trở về đất liền.

Trong thời gian ông này vắng mặt, các bộ lạc Wampanoag gần như bị một dịch bệnh bí ẩn xóa sổ mà một số người Wampanoags tin rằng đến từ phân chuột trên các con thuyền châu Âu, trong khi các nhà sử học khác cho rằng đó có thể là bệnh đậu mùa hoặc bệnh sốt vàng da.

Được biết đến với cái tên “The Great Dying”, đại dịch này kéo dài suốt ba năm.

Vào năm 1619 lúc ông Squanto trở về nhà, hai phần ba cư dân bộ tộc của ông đã chết vì dịch. Nhà thám hiểm người Anh Thomas Dermer mô tả những ngôi làng từng đông đúc dọc theo bờ vịnh là “hoàn toàn trống rỗng” vắng người.

Năm 1620, những người Anh trên tàu Mayflower dời đến Plymouth sau khi cập bến Provincetown. Những người Wampanoags nhìn đàn bà và trẻ em xuống thuyền.

Họ biết lần này tương tác của họ với người châu Âu sẽ khác.

Bà Paula Peters, đồng thời là chủ nhân của một cơ quan truyền thông mang tên SmokeSygnals cho biết: “Bạn sẽ không mang theo đàn bà con nít nếu bạn dự định đánh nhau“.

Người Wampanoag theo dõi người Pilgrims trong nhiều tháng. Ngay mùa đông đầu tiên, một nửa chết vì lạnh, đói và bệnh tật.

Các nhà sử học và giáo dục cho biết: Ousamequin, thường được gọi là Massasoit, đây là tước hiệu và có nghĩa là “sachem vĩ đại” phải đương đầu với một tình hình nan giải. Dân số trên đất nước của ông bị bệnh tật tàn phá, và ông cũng cần phải giữ hòa bình với các người Narragansetts láng giềng. Có thể ông lý luận rằng vũ khí tốt hơn của người Anh là – súng so với cung tên của dân tộc ông – sẽ khiến họ trở thành đồng minh tốt hơn là kẻ thù.

Vào mùa xuân năm 1621, ông bắt liên lạc đầu tiên.

Ông Steven Peters, con của bà Paula Peters và là giám đốc sáng tạo tại cơ quan của bà cho biết: “Không phải là ông ta tử tế hay thân thiện gì, ông ta rất khó tính nhưng có tầm nhìn chiến lược. Chúng tôi phải cố gắng trong tuyệt vọng để khỏi bị diệt chủng.”

Trong một bức họa của Karen Rinaldo hoàn thành năm 1995 ở Falmouth, Mass., miêu tả những gì mà các cấp lãnh đạo bộ lạc Wampanoag và các sử gia cùng đồng ý về vài điểm chính xác hiển hiện trong “The First Thanksgiving 1621,” giữa bộ lạc Wampanoags và người Pilgrims. (Karen Rinaldo)

Vào mùa thu, những người Pilgrims – phần lớn nhờ người Wampanoags dạy cách trồng đậu và bí trên gò đất với bắp chung quanh và dùng xương cá làm phân bón – đã thu hoạch vụ mùa đầu tiên. Để kỷ niệm thành quả ban đầu của một thuộc địa, Người Pilgrims đã tổ chức một “bữa tiệc ngày mùa” rồi trở thành cơ sở cho cái mà ngày nay được gọi là Lễ Tạ Ơn.

Người Wampanoags không được mời.

Ông Ousamequin và người của ông chỉ xuất hiện sau khi vài người Anh nổ súng hỏa mai trong buổi tiệc ăn mừng. Nghe tiếng súng, người Wampanoags chạy đến, tưởng rằng sắp có chiến tranh.

Bà Paula Peters nói: “Một trăm chiến binh xuất hiện, trang bị đầy đủ khi nghe thấy tiếng súng hỏa mai nổ”.

Khi được bảo rằng đây là một lễ hội thu hoạch, người Wampanoags liền tham gia, mang theo năm con hươu góp phần. Có thêm gà, cá, lươn, động vật có vỏ và có cả trái nam việt quất từ ​​các đầm lầy tự trong khu vực.

Trong cuốn sách, “Đất này là Đất của Họ”, tác giả David J. Silverman cho biết học sinh trong trường được dạy làm mũ lông bằng giấy bồi hàng năm tượng trưng cho nguời Thổ dân Da đỏ có mặt trong Lễ Tạ Ơn đầu tiên là giả tuởng.

Nguời Wampanoags không đội chúng. Nam giới mang mohawk “roach” làm từ lông nhím và buộc trên đầu.

Ông Darius Coombs, điều phối viên tiếp cận văn hóa của bộ tộc Mashpee Wampanoag, cho biết: sự hiểu lầm này về Lễ Tạ Ơn có ý nghĩa như thế nào đối với người Mỹ Bản địa.

Ông nói: “Đối với chúng tôi, lễ Tạ Ơn khởi động tiến trình thực dân hóa. Cuộc sống của chúng tôi thay đổi rõ rệt. Nó mang lại bệnh tật, nô lệ và rất nhiều thứ không tốt cho nguời Wampanoag và các nền văn hóa Bản địa khác ”.

Bà Linda Coombs, người Aquinnah Wampanoag, là một nhà sử học bộ tộc, nhà giáo dục bảo tàng và là em dâu của ông Darius, cho biết Lễ Tạ Ơn diễn tả một suy nghĩ là “chúng ta giống như những kẻ ngốc, hoan nghênh tất cả những thay đổi này, và ủng hộ ý tưởng rằng người Pilgrims đem lại cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp hơn chỉ vì họ ở vị thế thượng tôn”.

Mẹ Gấu, mẹ của bộ tộc và là em họ của Paula Peters có tên tiếng Anh là Anita Peters, nói với khách thăm viếng bảo tàng của bộ lạc rằng: luật của Massachusetts năm 1789 có quy định việc dạy một Thổ dân Da đỏ Mashpee Wampanoag đọc hoặc viết là bất hợp pháp và “có thể bị trừng phạt bằng cái chết”.

Bà kể lại cách người Anh đẩy người Wampanoags ra khỏi vùng đất của họ và buộc nhiều người phải cải sang Ki tô giáo.

Mẹ Gấu nói: “Chúng tôi bị kèm giữa chính sách cầu nguyện-hoặc-chết vào thời điểm đó tại đây. Nếu bạn không cải sang Ki tô giáo, bạn phải chạy trốn hoặc bị giết”.

Bà Anita Peters, người Mashpee Wampanoags có tên truyền thống là Mẹ Gấu, giữ một chiếc khăn choàng bằng da hươu có lưu vết của tổ tiên từ năm 1580. (Hình của Josh Reynolds / The Washington Post)

Đất đai của người Wampanoags trước kia là của chung nay được chia nhỏ, mỗi gia đình nhận được 60 mẫu Anh, và áp dụng hệ thống thuế khóa – cả hai đều trái ngược với văn hóa Wampanoag.

Chẳng lâu sau đó, người Wampanoags, giống như các bộ lạc khác, cũng chứng kiến ​​cảnh con cái của họ được gửi đến các trường nội trú khắc nghiệt dành cho Thổ dân Da đỏ, nơi bị ra lệnh phải cắt tóc dài, từ bỏ “cách sống của người da đỏ” kể cả ngưng nói tiếng mẹ đẻ.

Bà Paula Peters cho biết có ít nhất hai người trong gia đình bà được gửi đến trường Thổ dân Da đỏ Carlisle ở Pennsylvania, đây là trường nội trú đầu tiên do chính phủ điều hành dành riêng cho trẻ Mỹ bản địa vào năm 1879. Người sáng lập trường, Trung tá Lục quân Richard Henry Pratt, một cựu chiến binh thời Nội chiến và là một người ủng hộ việc cưỡng bức đồng hóa, viện dẫn phương châm: “Giết người Da đỏ, cứu được Người.”

Bà Mẹ Gấu nhớ lại lời chú của mẹ bà, ông William L. “High Eagle” James, dặn gia đình hãy hủy bất kỳ tài liệu nào mà ông viết bằng tiếng mẹ đẻ sau khi ông qua đời. Ông không muốn họ gặp rắc rối vì lưu giữ giấy tờ này.

“Chúng tôi vẫn đang chiến đấu giành lại đất đai “

Ông David Weeden, người Mashpee Wampanoags, thành viên của hội đồng bộ tộc và là nhân viên bảo tồn lịch sử, đứng cạnh trung tâm điều hành bộ tộc. (Hình của Josh Reynolds / The Washington Post)

David Weeden, a Mashpee Wampanoag who is a tribal council member and their historic preservation officer, stands near the tribal government center. (Josh Reynolds for The Washington Post)

Ông Frank James, một nhà hoạt động Aquinnah Wampanoag nổi tiếng, đã coi việc dân tộc của ông chào đón và kết bạn với những người Pilgrims vào năm 1621 “có lẽ là sai lầm lớn nhất của chúng tôi”.

Vào năm 1970, ông đặt ra “Ngày Quốc tang”, và trở thành một sự kiện hàng năm vào ngày Lễ Tạ Ơn đối với một số người Wampanoags sau khi các nhà tổ chức lễ kỷ niệm 350 năm cuộc đổ bộ của thuyền Mayflower từ chối để ông làm rõ những huyền thoại về ngày lễ này như một phần của lễ kỷ niệm. Cho đến lúc đó, chỉ có một số bộ lạc Wampanoag nguyên thủy còn tồn tại.

“Chúng tôi, những người Wampanoags, chào đón các bạn, những người Da trắng, với vòng tay rộng mở, ít ai biết rằng đó là khởi đầu của một sự kết thúc; rằng sau 50 năm trôi qua, bộ lạc Wampanoag sẽ không còn là một dân tộc tự do nữa”, ông viết trong bài phát biểu.

Vào những năm 70, bộ lạc Mashpee Wampanoags khởi kiện để đòi lại một số đất đai của tổ tiên họ. Nhưng họ thất kiện, một phần, vì một thẩm phán liên bang nói rằng lúc đó họ chưa được chính thức công nhận là một bộ tộc.

Bộ tộc Mashpee Wampanoags lại nộp đơn để được liên bang công nhận vào giữa những năm 1970, và hơn ba thập niên sau, vào năm 2007, họ được công nhận. (The Gay Head Aquinnah trên Martha’s Vineyard cũng được liên bang công nhận.)

Vào năm 2015, khoảng 300 mẫu Anh được liên bang ủy thác cho người Mashpee Wampanoag dưới thời Tổng thống Barack Obama. Điều đó về căn bản trả lại cho họ một vùng đất dành riêng, mặc dù nó bao gồm hơn hàng chục lô đất nằm rải rác khắp khu vực Cape Cod và chỉ bằng phân nửa của một phần trăm diện tích đất nguyên thủy họ có trong lịch sử.

Nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump lấy lại việc ủy thác này, gây trở ngại cho tiềm năng phát triển của họ.

Cấp lãnh đạo bộ lạc Mashpee Wampanoag cho biết họ vẫn đang chờ đợi phán quyết cuối cùng của Bộ Nội vụ – hiện do bà Deb Haaland, người Mỹ bản địa đầu tiên đứng đầu cơ quan – về tình trạng đất đai của họ.

Darius Coombs, người Mashpee Wampanoags, Điều phối viên văn hóa và tiếp cận cộng đồng của bộ lạc, đứng trong Hội đường cũ của người Thổ dân Da đỏ, cất vào năm 1684. Đây là một trong những nhà thờ của người Mỹ Da đỏ lâu đời nhất ở miền đông Hoa Kỳ (Hình của Josh Reynolds / The Washington Post}

Một số nhà lãnh đạo bộ lạc cho biết tiềm năng phát triển sòng bạc sẽ mang lại doanh thu rất cần thiết cho cộng đồng của họ. Ông David Weeden, thành viên của hội đồng Mashpee Wampanoag nói rằng: Nếu không được cấp đất, chủ quyền của bộ lạc sẽ giảm dần.

Ông Brian Weeden, tù trưởng bộ lạc và là cháu của ông David Weeden cho biết: “Sau bốn trăm năm, chúng tôi vẫn phải tranh đấu vì đất đai, văn hóa và con người của chúng tôi”.

Các bộ lạc Wampanoag đang giải quyết các vấn đề nghiêm trọng khác, gồm cả nạn đại dịch coronavirus. Bộ lạc phải trả tiền phòng khách sạn cho các thành viên bị nhiễm dịch để tránh nguy cơ cho những người lớn tuổi sống trong các hộ gia đình nhiều thế hệ.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, người Wampanoags đã phải vật lộn với tỷ lệ kinh niên mắc bệnh tiểu đường, huyết áp, ung thư, tự tử và nghiện ngập. Ở khu vực Cape Cod đắt đỏ, nhiều người Wampanoags không đủ tiền mua nhà ở và phải sống nơi khác.

Họ cũng lo lắng về sự phát triển quá mức và nạn ô nhiễm đe dọa thường xuyên nguồn nước và động vật hoang dã.

Ông Vernon “Silent Drum” Lopez, tù trưởng Mashpee Wampanoag, 99 tuổi, cho biết: “Đất đai luôn là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Đó là sự sống còn của chúng tôi.”

Bà Paula Peters, nhà văn và nhà giáo dục người Mashpee Wampanoag, trước nhà ở Mashpee, Mass. (Hình của Josh Reynolds / The Washington Posot)

‘Tôi vẫn còn đây mà’

Bà Paula Peters cho biết, hồi lên 8 tuổi, một giáo viên kể chuyện về Lễ Tạ Ơn. Sau câu chuyện, một trẻ khác hỏi, “Chuyện gì xảy ra cho Thổ dân Da đỏ?”

Giáo viên trả lời, “Đáng buồn thay, họ đều chết cả rồi”.

Bà Paula Peters còn nhớ đã trả lời: “Không, họ đâu có chết hết. Tôi vẫn còn đây mà.”

Bà và các người Wampanoags khác vẫn đang cố gắng giữ cho nển văn hóa và truyền thống của họ tồn tại.

Cách đây 5 năm, bộ lạc bắt đầu mở một ngôi trường ngay trên đất của họ với khoảng hơn hai chục trẻ, trong độ tuổi từ 2 đến 9. Các em học toán, khoa học, lịch sử và các môn học khác bằng tiếng mẹ đẻ Algonquian. Bộ lạc cũng cung cấp các lớp học tiếng mẹ đẻ cho những người lớn tuổi trong bộ lạc, nhiều người trong số họ không có dịp nói tiếng mẹ đẻ rồi cuối cùng quên bẵng mất đi.

Cô Nitana Greendeer, người Mashpee Wampanoag, người đứng đầu trường học của bộ tộc, cho biết: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng những trẻ này hiểu được mình là người bản địa và tự hào là người Wampanoags”.

Cô Greendeer nói: “Ở trường trong một ngày mới đây, học sinh và giáo viên đều mặc áo thun màu cam để tôn vinh tổ tiên của họ, những người được đưa đến các trường nội trú bản địa và “đã không trở về nhà nữa”.

Trong một lớp học, một giáo viên dạy cho hàng chục trẻ về các ngày trong tuần, các từ chỉ thời tiết và cách mô tả tâm trạng của chúng. Một bài học toán liên quan đến việc xây cất một căn nhà Wampanoag wetu truyền thống. Một học sinh khác tham gia xác định các loài thực vật quan trọng đối với người Mỹ Da đỏ.

Cô Greendeer cho biết thêm: không có bài học nào được chuẩn bị để kỷ niệm 400 năm Lễ Tạ Ơn. Nếu các em hỏi, giáo viên sẽ giải thích: “Đó không phải là điều chúng ta ăn mừng vì nó đã làm nhiều người chết và mất mát văn hóa. Đối với chúng tôi, Lễ Tạ Ơn không có ý nghĩa như đối với nhiều người Mỹ”.

Người đồng phụ trách Jo Loosemore xem xét một chiếc thắt lưng wampum mới được các người trong bộ tộc Wampanoag thực hiện. (Hình của Alastair Grant / AP)

Năm nay, một số người Wampanoags sẽ đến Plymouth cho Ngày Quốc tang. Những người khác sẽ tập trung tại Hội đường cũ của người Thổ dân Da đỏ, cất năm 1684 và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của người Mỹ Bản địa ở miền đông Hoa Kỳ, để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, mà nhiều người được chôn cất tại nghĩa trang chung quanh. Rất nhiều người Wampanoags sẽ quay quần với gia đình trong một bữa ăn tạ ơn – không phải vì sự sống còn của Người Pilgrims mà vì sự tồn tại của bộ tộc riêng họ.

Ông Steven Peters cho biết ông nói với con cháu: “Lịch sử không tử tế gì với dân tộc chúng ta”.

“Trẻ em bị bắt đi. Tiếng nói bị cấm cản. Nhiều người bị giết. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì. Chúng tôi đã tìm ra cách để tồn tại”.

Dana Hedgpeth, Washington Post
Ngày 5 tháng 11 năm 2021

Nguồn: https://www.washingtonpost.com/history/2021/11/04/thanksgiving-anniversary-wampanoag-indians-pilgrims/