Trong khi các giáo xứ khác phải chật vật để duy trì hoạt động, thì nhà thờ Công giáo St. Ambrose ở Fields Corner lại cảm thấy lớn mạnh vào thời điểm này khi một số lượng đông đảo người Việt Nam và các thành viên gốc Ái nhỉ lan và Ý còn lại đã hòa nhập nhịp nhàng để tạo ra một giáo xứ mới sinh động. Cuối tuần trước, cả mấy trăm người đã tham dự một thánh lễ đặc biệt mừng Tết Nguyên đán, một trong nhiều thánh lễ có thể thu hút đến 1.000 người. (Ảnh của Dzung Nguyen)
Trong thế giới của các cộng đồng giáo hội ở Dorchester, hầu hết tin tức đều về việc đóng cửa, ít người tham dự hơn và thu hẹp lại, nhưng câu chuyện về nhà thờ St. Ambrose ở Fields Corner thì lại khác rất nhiều. Giáo dân đang tăng mạnh và vươn lên theo một trào lưu độc đáo.
Các giáo dân mới và cũ nói rằng sự phát triển đến từ tâm tình cởi mở và sự chấp nhận của mọi người trong khắp giáo xứ – đón nhận niềm tin trước mọi khác biệt. Giáo đoàn Ái nhỉ lan và Ý một thời từng suy yếu đã tìm thấy sự hồi sinh khi hòa nhập hữu hiệu với số giáo dân Việt Nam đông đảo, đa thế hệ, có đức tin vững vàng vì đã bị đàn áp tôn giáo khốc liệt trước khi đến Boston.
Linh mục Linh Nguyễn, chánh xứ St. Ambrose, cho biết giáo xứ có hơn 300 trẻ em đang theo học các lớp giáo lý (CCD). Có tám nhóm Đạo binh Đức Mẹ, một nhóm múa trẻ có 50 thành viên, một hội hát 70 người hầu như không thể đứng lọt trong cung thánh, và thánh lễ đôi khi đông đến 1.000 người – nhất là vào những dịp đặc biệt như thánh lễ mừng Tết (Âm lịch) năm mới cuối tuần trước.
Linh mục Linh nói: “Đến dự các thánh lễ nhiều khi chỉ có chỗ đứng. Không gian là một thách thức đối với chúng tôi. Chúng tôi tính đến việc nới rộng hoặc tìm cách để tạo thêm chỗ trong nhà thờ… Vào một ngày trọng đại, như Tết Nguyên đán hôm nay, chúng tôi phải trực tiếp truyền hình xuống tầng dưới trong hội trường. Vào dịp lễ Giáng sinh vừa qua, giáo dân tham dự chật kín cả hai chỗ. Ước lượng có đến hơn 1.000 người có mặt trong thánh lễ”.
Điều này không phải là vấn đề mà nhiều giáo xứ đang gặp phải ở Boston và vùng lân cận, đặc biệt là ở Dorchester vì nhiều giáo xứ công giáo và các hội thánh Cơ đốc khác đang gặp phải khó khăn để lưu giữ số tín đồ hiện có. Sự nổi lên của người Việt bắt đầu từ năm 1985 khi cộng đoàn đầu tiên được thành lập tại nhà thờ St. Peter ở khu phố Bowdoin. Tiếp đó, nhà thờ St. William trở thành nơi có nhiều người Việt đi lễ. Khi nhà thờ này đóng cửa vào năm 2006, nhiều người Việt Nam đã chuyển xuống nhà thờ St. Ambrose, nơi này được Tổng giáo phận Boston chỉ định là nơi thờ phượng cho người Việt Nam.
Cha Linh từ Việt Nam đến ở Dorchester năm lên 14 tuổi và định cư tại giáo xứ St. Peter. Ông luôn luôn muốn trở thành một linh mục. Công giáo là đạo gốc của ông trước khi di dân đến đây, và đức tin này được các nhà truyền giáo Dòng Tên du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1530. Tuy nhiên, trong những thập niên 1970 và 1980, các tín đồ Thiên Chúa giáo bị đàn áp. Ông cho biết, ngoài lý do kinh tế, được tự do hành đạo là điều khiến các tín hữu tụ hội về giáo xứ St. Ambrose.
Ông nói: “Chúng tôi luôn hướng về gia đình. Điều đó gắn kết chúng tôi bên nhau để có thể bảo tồn những giá trị mà chúng tôi trân trọng. Điều đó đi kèm với niềm tin. Niềm tin có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với cộng đồng Việt Nam. Đó là một trong những nguyên do chính mà người Việt Nam đến đây: vì tự do tôn giáo. Không chỉ là chuyện mưu sinh… Đó là một cuộc hành hương đến đây vì tự do tôn giáo”.
Linh mục Linh Nguyễn là cha sở của giáo xứ St. Ambrose trong khoảng sáu năm và mới đây được gia hạn thêm sáu năm nữa. (Ảnh của Seth Daniel)
Ngày nay, cha Linh cho biết, gần 85% giáo dân là người Việt Nam, và giáo xứ này được điều hành chung với giáo xứ St. Mark do không đủ chỗ cho cộng đồng người Việt, Mỹ và Tây Ban Nha. Mặc dù có đông người Việt, nhưng theo cha Linh cho biết, không có chuyện “tiếp quản” mà là mang ơn những người đến trước.
Cha nói: “Chúng tôi không tìm cách thay thế, mà chỉ để xây dựng tiếp những gì mà những người đi trước đã làm – nền tảng mà họ đã lưu lại cho chúng tôi. Chúng tôi là những người chăm sóc và chúng tôi ở đây để giữ nhà thờ cho họ. Tất cả chỉ giản dị có thế”.
Kết nối quá khứ và hiện tại
Ở trong ngôi nhà riêng lâu đời trên đại lộ Dorchester, bà Mary Whalen vẫn còn nhớ lúc nhận được điện thoại từ người anh quá cố, từng làm việc cho Sở Cứu hỏa Boston vào một buổi tối lạnh giá năm 1984 khi đang ngồi trên bàn bếp chấm bài cho học sinh của bà. Anh bảo bà hãy ra ngoài đại lộ và xem nhà thờ đang cháy.
Khi bước ra khỏi cửa, bà Whalen nói bà có thể nhìn thấy ngọn lửa đang thiêu rụi nhà thờ thân yêu của bà. Bà lớn lên quanh nhà thờ St. Ambrose, đi học trường ở đó và “có thể nói đã lãnh tất cả bí tích suốt đời của mình tại nhà thờ đó”.
Bà tham gia ủy ban tái xây dựng sau trận hỏa hoạn, và người mẹ quá cố của bà được vinh danh khi khởi công vào năm 1986. Họ chỉ giữ được các cửa sổ kính màu lớn mô tả Bữa Tiệc ly, còn tất cả những thứ khác đều phải sắm mới.
Cũng không lâu sau đó, khi số lượng nhà thờ giảm xuống, và hàng xóm của bà liên tục dọn ra ngoại ô, khiến thiếu mất một thế hệ mới lớn cho trường tiểu học của giáo xứ – cuối cùng phải đóng cửa. Bà nói: “Họ đang củng cố và đóng cửa các nhà thờ; chúng tôi chỉ biết nín thở không biết bao giờ sẽ đến lượt”.
Bà Mary Whalen, giáo dân lâu năm của giáo xứ St. Ambrose, cho biết cuộc sống và đức tin của bà được truyền cảm hứng từ cộng đồng Việt Nam. Bà cho biết nhà thờ đã tuân thủ lời chỉ dạy của Giáo hoàng Francis phải cởi mở và chấp nhận để tạo ra một “tổng hợp văn hóa”. (Ảnh của Seth Daniel)
Rồi người Việt Nam đến
Bà nói, bà vẫn còn tham gia trong Hội đồng Giáo xứ: “Ban đầu St. Ambrose là nơi nương náu của di dân gốc Ái nhỉ lan. Giờ thì trong thời gian này, chúng tôi chào đón những người Việt Nam đến tìm cơ hội, mà họ cũng đến vì những lý do khác nữa. Người Ái nhỉ lan và người Ý lúc nào cũng có thể hành đạo và không bị bắt bớ. Người Việt Nam đến từ một nền văn hóa bị đàn áp tôn giáo. Họ muốn cải thiện mức sống và học hành, nhưng lòng mong muốn thật sự là được công khai thực hành đức tin. Họ không coi đó là điều hiển nhiên”.
Bà tiếp tục bày tỏ: “Tôi quả thấy cuộc sống trở nên phong phú hơn nhờ cộng đồng người Việt và đức tin của họ”.
Bà Whalen nằm trong một nhóm giáo dân lâu năm ở lại và chào đón người Việt đến với giáo xứ St. Ambrose, và bây giờ họ được mời vào nếp sống sinh động của giáo hội mà tinh thần thông công đã mang lại. Bà cho biết thêm: “Đôi khi thậm chí bà còn tham dự các thánh lễ đông đảo hàng ngày của người Việt”.
Bà lưu ý: “Tôi có thể nhận ra nhịp điệu của giọng nói và theo dõi sách nguyện trên tay mà biết những gì họ đang đọc”.
Bà nói rằng bà và những giáo dân lưu lại đã tuân theo lời kêu gọi của Giáo hoàng Phanxicô là cởi mở, chấp nhận và tạo ra một “tổng hợp văn hóa” trong các nhà thờ trên khắp thế giới. Bà phát biểu: “Có phản kháng không? Có, vì đó là những gì còn lại của những người gốc Ái nhỉ lan và Ý cũ phải ở lại đây, cảm thấy sẽ mất đi bản sắc riêng của họ. Họ vẫn thành kiến về những người mới đến thay vì cởi mở và đón mời… Giáo xứ St. Ambrose là một ví dụ về những gì đang diễn ra trên khắp Boston với sự phát triển và đa dạng hóa cư dân… Tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời – niềm tin được thấm nhuần”.
Ngày nay, bà Whalen rất thích tham dự các lễ hội đón Tết năm mới, các thánh lễ tiếng Anh, và một số sinh hoạt xã hội đặc biệt khác. Bà cho biết sau khi bà chào mừng những người Việt Nam lúc đầu, bà cũng được đón chào trở lại. Trên thực tế, bà nói, nếu có bão tuyết, các thành viên trong cộng đồng nhà thờ sẽ xúc sạch lối lái xe của bà trước khi bà ngỏ lời nhờ.
Bà kết luận: “Vì có cuộc đàn áp ở Việt Nam, tất cả họ đều đặt niềm tin ở đây, và điều đó thật tuyệt vời cho giáo xứ St. Ambrose”.
Các giáo dân trẻ tại nhà thờ St. Ambrose ở Fields Corner trình diễn mừng Tết Nguyên đán tại giáo xứ ở Dorchester vào cuối tuần trước. (Ảnh của Dzung Nguyen)
Giữ cho ngôi thánh đường tồn tại
Ông Hiệp Chu, một giáo dân lâu năm, đến Boston khi mới 11 tuổi, sinh hoạt tại cộng đoàn giáo xứ St. Ambrose trong nhiều thập niên – ông cho biết ông là một phần của thế hệ “bắt cầu” đang cố gắng giữ cho nhà thờ và nền văn hóa được tồn tại.
Ông nói: Mấu chốt của điều đó là giới trẻ. Ông cho biết người Việt quan tâm đến các lớp giáo lý, với phụ huynh là giáo viên, nhưng cũng có các lớp dạy tiếng Việt và các hội đoàn xã hội và văn hóa vui nhộn – chẳng hạn như nhóm ca múa.
Ông cho biết thêm: “Trẻ em không nhất thiết phải thích chương trình ngày Chủ nhật, nhưng khi chúng đến đó, chúng sẽ thích nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi có ít nhất 300 trẻ tham gia chương trình. Đó là cơ hội để chúng tôi giữ lấy những gì chúng tôi đang có… Tôi phải nhìn nhận rằng chúng tôi sẽ mất tiếng nói, nhưng chúng tôi chúng tôi hy vọng việc dạy tiếng Việt trong giáo xứ sẽ giữ dài được lâu hơn một chút… Đó là phần giữ cho thế hệ thứ hai và thứ ba – và đám trẻ thật sự vui thích khi chúng ở đây”.
Cha Linh nói thêm rằng việc giáo xứ có được một mục vụ cho giới trẻ và thanh niên sôi nổi như vậy là một điều đáng tự hào. Ông nói: “Chúng tôi phải làm việc song song để hoàn thành điều này. Nếu chúng ta mất đám trẻ, chúng ta sẽ mất luôn cha mẹ… Đó không chỉ là chuyện đạo hạnh hay những lớp học nghiêm túc, mà còn là những hoạt động xã hội và những tương tác thú vị với bạn bè của chúng và đó cũng là cách chúng tôi giữ chúng bên cạnh cha mẹ của chúng”.
Ông Hiệp Chu cho biết ông cũng thấy rất phấn khích từ những giáo dân như bà Whalen, và cách họ đón nhận nếp sống mới cho giáo xứ trong bối cảnh thay đổi.
Ông nói: “Tôi rất ngạc nhiên và thấy hứng khởi gợi từ thế hệ cũ ở giáo xứ St. Ambrose”.
Trong khi đó, cả hai cho biết họ đã thấy những gì xảy ra trong quá khứ tại giáo xứ St. Ambrose với số giáo dân ngày càng giảm, và ngay bây giờ có thể có cái nhìn thoáng qua về việc đi xuống con đường đó.
Cha Linh nói: “Chúng tôi đang ở thời điểm mà chúng tôi có thể giữ những giá trị của truyền thống mới đó tồn tại, nhưng chúng tôi cũng thoáng thấy cùng con đường mà người anh em Ái nhỉ lan đã đi qua; có lẽ mãi cho đến 10, 20 năm nữa chúng tôi mới phải đối mặt”.
Ông Hiệp Chu nói thêm: “Vai trò của giáo xứ là tìm ra cách để khiến mọi người đi nhà thờ và tham dự Thánh lễ. Khi bạn không có mối quan hệ trực tiếp giữa gia đình, con cái và nhà thờ, mọi người sẽ không thấy rằng điều đó đáng tốn giờ để liên kết bản thân và con cái với nhà thờ của họ . ”
Tại thời điểm này, lời cầu nguyện đó đang được đáp lại hàng tuần tại nhà thờ St. Ambrose.
Seth Daniel
Phóng viên báo Dorchester Reporter
Ngày 10/2/2022
Nguồn: https://www.dotnews.com/2022/vietnamese-sparking-boomtime-parish-life-st-ambrose-parish