Carolyn Nguyễn, lớn lên ở Fields Corner, làm kỹ sư lắp ráp và tích hợp động cơ cho Blue Origin, một công ty hàng không không gian do Jeff Bezos thành lập. Cô Carolyn đang đứng cạnh mô hình động cơ BE-7 mà cô góp công chế tạo. Ảnh của Carolyn Nguyen/Blue Origin
Là một người Mỹ thế hệ thứ nhất lớn lên ở khu phố Fields Corner, Carolyn Nguyễn không hề biết rằng một ngày nào đó cô sẽ chế tạo hệ thống phóng hỏa tiển cho Blue Origin, công ty thám hiểm không gian của Jeff Bezos. Tuy nhiên, cô rất thích tháo rời những con búp bê Barbies mà mẹ cô đã mua cho để tìm xem các tay chân được ráp nối như thế nào.
Cô Carolyn, 26 tuổi, đã khởi đầu theo đuổi sự tò mò đó từ trường Holland rồi trường McCormack đến Boston Latin Academy và sau đó là Boston University. Hiện nay, cô sống ở Seattle và làm việc cho Blue Origin – giúp chế tạo thế hệ động cơ hỏa tiển kế tiếp để đưa người vào không gian. Giờ đây, cô hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho một thế hệ trẻ mới ở Dorchester theo đuổi ước mơ như cô đã đi trước.
Hôm 19 tháng 3, cô Carolyn đã tham gia vào tập thứ tư của loạt video trên YouTube Autodesk’s mang tên “Make It Big with Football star James Develin”, được sản xuất cùng với Wentworth Institute of Technology. Được chia thành các phần hội thảo, hướng dẫn, điều khiển và cuộc thi trực tuyến, loạt vidéo này nhằm giới thiệu cho giới trẻ tìm hiểu về chuyên nghề trong thiết kế và kỹ thuật. Trong tập phim dài 90 phút, cô Carolyn đã nói rất nhiều về niềm đam mê đối với giáo dục và giao phó cho giới trẻ.
Cô Carolyn nói: “Mặc dù chuyên môn của tôi là tập trung vào cơ khí và điều hành cơ phận, nhưng trong tương lai, tôi thực sự muốn đầu tư vào thế hệ trẻ, đặc biệt là đối với những thanh thiếu niên thiếu chăm sóc hoặc những trẻ đang lớn lên không có đủ phương tiện. Tôi thực sự ngưỡng mộ thế hệ mới, Thế hệ Z — ngay kế sau tôi, vì tôi không được tự tin như Thế hệ Z — bởi vì chúng có đầu óc kinh doanh và tháo vát [và] là những người rất đồng cảm. Tôi tin rằng nếu chúng ta có thể tạo ra một nền giáo dục sáng tạo hơn và giúp trao quyền cho học sinh tự phát triển các kỹ năng và trở thành những nhà tư tưởng dạn dĩ hơn với tư duy hướng thượng, thì chúng ta có thêm biết bao nhiêu người giải quyết các vấn đề hệ trọng trên thế giới này?”
Carolyn Nguyễn – con trưởng của gia đình có 5 người con, nhập cư từ Việt Nam – cho rằng phần lớn thành công của cô là do những trải nghiệm giáo dục khi cô lớn lên. Sau khi nộp đơn vào các trường thi tuyển của Boston để tránh bị bắt nạt hồi năm lớp sáu, cô được cả ba trường nhận. Tuy nhiên, thay vì chọn Trường Boston Latin, Carolyn cảm thấy bị thu hút bởi cộng đồng đa dạng tại Boston Latin Academy. Và thật sự, cô càng học giỏi xuất sắc ở tại trường này.
Kellyanne Mahoney, cô giáo lớp bảy của Carolyn và hiện là Chuyên gia của Chương trình Autodesk Giới trẻ, luôn nhớ về cô một cách trìu mến.
Cô Mahoney nói: “Tôi đặc biệt nhớ Carolyn vì lớp em học là một lớp rất đặc biệt. Chúng thật thông minh và nghịch ngợm. Tôi thích chúng lắm.”
Cô Mahoney nói thêm vào năm Carolyn học: “Chúng tôi bắt đầu hợp tác nhiều hơn giữa các giáo viên để tạo ra các dự án liên ngành cho học sinh, thực sự dựa trên nền tảng khoa học, vì vậy để có được kết luận trọn vẹn và nhận ra rằng cách mà em suy nghĩ, cách mà em thực hiện nối kết xung quanh thiết kế, sự đồng cảm sâu rộng của em, [và] sự quan tâm của em đối với thiết kế lấy con người làm trung tâm — em không chỉ thiết kế động cơ dùng trên mặt trăng chạy ngoài không gian, mà còn suy nghĩ về cách áp dụng một số khái niệm bên ngoài thế giới vào trái đất— đó là trọng tâm của công việc liên ngành mà chúng tôi đã làm với học sinh. [Thật là] tuyệt vời khi nhiều năm sau, các học sinh đang thực hiện một số điều mà chúng tôi mong ước khi cùng trong đội ngũ giáo viên vào đầu những năm 2000.”
Về phần mình, Carolyn nhắc đến giáo viên hóa học cấp ba của cô tại BLA như một động lực trên con đường chuyên nghiệp của cô.
Cô Carolyn nói: “Tôi không biết mình có muốn trở thành kỹ sư hay không cho đến khi tôi vào lớp giáo viên hóa học của tôi ở trường trung học, và thầy cho biết từng là một kỹ sư trong quân đội. Khi còn là một đứa trẻ nghèo, trường học thật sự là nơi duy nhất tôi tiếp xúc với những nghề nghiệp như vậy.”
Carolyn bắt đầu sự nghiệp của mình tại Boston University với chuyên ngành sinh học thần kinh. Tuy nhiên, sau khi nhận ra mình không muốn theo học ngành y, cô đã sớm chuyển sang chuyên ngành cơ khí chế tạo.
Carolyn nói: “Tôi thích giải quyết chuyện ở nhà. Tôi đến tiệm Home Depot, mua một số bản lề và đinh ốc, và bắt đầu đóng ráp trên tường. Tôi thấy mình bị cuốn hút vào kỹ thuật cơ khí vì nó rất thiết thực và bạn có thể thấy nó trong cuộc sống hàng ngày.”
Niềm đam mê của Carolyn đối với kỹ thuật cơ khí lớn dần khi cô nghiên cứu sâu hơn về chuyên ngành và nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, cô hối tiếc vì đã không sớm lợi dụng kỹ thuật để khám phá sở thích của mình khi còn nhỏ.
Cô nói: “Lớn lên, tôi thực sự bối rối”. Giờ đây, cô khuyên giới trẻ nên “tìm cảm hứng khi còn bé xíu”.
“Bạn có thể truy cập YouTube và tìm kiếm một số kênh YouTube thực sự tuyệt vời như VSauce [hoặc] Smarter Every Day [hay] How It’s Made. Có các Computer Clubhouse ở đó. Ngày nay có rất nhiều nguồn tin trực tuyến. Bạn có thể vào ADPlist.org để tìm người hướng dẫn. Tạo một LinkedIn và đừng ngại tiếp xúc thêm ngoài. Tìm gợi hứng của bạn và sau đó tìm những người có thể biến điều đó thành hiện thực.”
David Mareira, một cư dân Dorchester hiện là Giám đốc điều hành tại Wentworth Institute of Technology, tin rằng loạt phim “Make it Big with football star James Develin” và thử thách về thiết kế tiêu biểu cho cơ hội để giới trẻ Dorchester làm được điều đó.
“Điều hấp dẫn về chương trình này đối với học sinh Dorchester và cho cả học sinh trường công Boston là chúng có được kỹ năng thiết kế và kỹ thuật thực sự khi hợp tác với AutoDesk và Wentworth, và tôi nghĩ đó là một bài học thực tiễn rằng bạn có thể chuyển thứ gì đó bạn yêu thích thành nghề nghiệp chuyên môn sau này.”
Ông Mareira nói: “Tôi lớn lên ở New Bedford, tôi là người đầu tiên trong nhà lên đại học, và tưởng tượng nếu ai đó gọi tôi lên và nói, ‘Này, bạn có muốn học miễn phí các lớp thiết kế và làm kỹ sư, hay trở thành kiến trúc sư — Tôi không biết là bất kỳ khả năng nào trong số này có thể làm được. Tôi được nuôi dưỡng chỉ tìm cách ráng ra khỏi thành phố sống một cách an toàn”.
Ông Mareira còn nói thêm: “Đôi khi chỉ cần một cơ hội, đó là sự khác biệt giữa ‘[Thật là] điên cái đầu khi nghĩ tôi là một phi hành gia” và ‘Trời đất, cô ta làm được đó, mà cô ấy sống ở Fields Corner!’”
Carolyn khuyến khích những bạn trẻ Dorchester khác nên tìm cách nhảy vọt khỏi Fields Corner sang ngành thiết kế tiên tiến để nghiên cứu các cơ hội trong tương lai ngay bây giờ.
Cô nói: “Nếu bạn muốn đi du học khi còn ở trường đại học, hãy tìm các trường đại học có chương trình cho bạn cơ hội vừa học ở nước ngoài vừa học những gì bạn muốn. Điểm SAT trung bình họ nhận là bao nhiêu? Điểm GPA cần bao nhiêu? Bạn đạt mức đó chưa? Nếu chưa, bạn phải làm gì ngay từ hôm nay để đạt được đến mục tiêu đó? ”
Đối với Carolyn, tương lai có nghĩa là học cao hơn và có một công việc đúng như mơ ước. Cô đã quyết định ghi danh lại bậc hậu đại học vào cuối năm nay để theo học ngành thiết kế và kinh doanh tại University of Washington hoặc UC Berkeley. Và, cô cũng không quên thường xuyên trở lại Boston để thăm gia đình.
Ngoài việc lập kế hoạch trước, Carolyn cũng muốn những cư dân trẻ ở Dorchester tâm niệm rằng “mọi người đều muốn giúp bạn”.
Cô nhắc nhở: “Họ được truyền cảm hứng từ những mục tiêu và ước mơ của bạn miễn là bạn sẵn sàng cởi mở và thử những điều mới. Bạn không cần phải thật ‘thông minh’ để bước vào lĩnh vực STEM. Bạn chỉ cần thắc mắc và quyết tâm tìm cho ra câu trả lời. Dù bạn có tài năng hay không thì sự kiên trì sẽ sánh đôi đi suốt đường dài”.
Carolyn nhắc nhở rằng chính cô cũng phải trải qua nhiều cuộc phỏng vấn trước khi đạt được công việc hiện tại.
“Đây cũng cho thấy rằng bạn chỉ cần một cái gật đầu. Bạn chẳng bao giờ đoán trước được đâu.”
Sự kiên tâm đó có thể dẫn họ đến tận cùng ngoài vũ trụ.
Katie Pedersen
Phóng viên báo Dorchester Reporter
Ngày 7 tháng 4 năm 2021
Nguồn: https://www.dotnews.com/2021/carolyn-nguyen-shoots-stars