Tuy nổi danh với nét đa dạng, Fields Corner giờ phải nhường chỗ cho sự phát triển

Một người đi xe đạp băng qua đại lộ Dorchester ở ngã tư Fields Corner với đường Adams. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Trong nhiều năm, cư dân biết đến Dorchester, khu Fields Corner như là một nơi mà những di dân mới đến có thể tìm được một căn nhà. Từ tiếng Việt sang tiếng Haiti đến tiếng Tây Ban Nha đến tiếng Bồ Đào Nha, các bảng hiệu trên cửa sổ hàng quán và tiếng trò chuyện trên đường phố phản ánh một khu phố có lăng kính muôn màu giống như một số khu phố khác ở Boston.

Nhưng cách đây vài năm, khi Cơ quan Kế hoạch & Phát triển Boston BPDA đưa ra một kế hoạch có thể định hình lại phần này của Dorchester, những tấm bảng mời mọi người đến dự các cuộc họp công cộng chỉ bằng một ngôn ngữ duy nhất: tiếng Anh.

Đó là một khoảnh khắc đáng lưu tâm đối với những cư dân như Angelina Hứa. Cô lo lắng rằng sự pha trộn văn hóa sôi động của Fields Corner có thể gặp trở ngại nếu nổ lực đặt kế hoạch – nhằm mục đích tái phân chia khu vực 86 mẫu Anh ngay phía bắc khu phố – không tham khảo đủ ý kiến của những người sống ở đó. Cô Angelina, có mẹ nhập cư từ Việt Nam đến Boston, nhận thấy áp lực ngày càng gia tăng, với việc mọi người bị đẩy ra khỏi cộng đồng nơi cô lớn lên.

Cô nói: “Dorchester và Fields Corner cần được phát triển mới thêm. Nhưng chuyện đó xảy ra như thế nào, và cách sao làm được nếu không phải di dời? Có người đã bắt đầu dọn đi”.

Đây là một cuộc trò chuyện đang diễn ra khắp khu phố, trải dài dọc theo đại lộ Dorchester ở phía bắc và phía nam quanh trạm Fields Corner của tuyến xe điện Đỏ MBTA. Phần lớn là thuộc khu trung lưu của người Công giáo Ái nhỉ lan cho đến những thập niên 60 và 70, Fields Corner trở thành một địa điểm thu hút người tị nạn gốc Việt sau chiến tranh Việt Nam. Trong suốt những năm 1980, các nhà thờ Công giáo và cơ quan tái định cư đã giúp họ tìm được những ngôi nhà ở thành phố có mức tương đối hợp túi tiền. Dần dần, các cơ quan dịch vụ xã hội và các doanh nghiệp nhỏ phục vụ cộng đồng người Việt theo đó mà ra đời. Một vùng đất lành nảy sinh.

Video đường phố: Fields Corner


Fields Corner, một vùng đất lành của người Việt, tự hào làm chủ các doanh nghiệp địa phương. Nhưng khi sự phát triển tiếp tục, chi phí gia tăng đe dọa đến việc di dời cư dân. (Hình của Shelby Lum / BBT Boston Globe)

Nó vẫn là trung tâm của cộng đồng người Việt ở thành phố; có tới hơn 9 ngàn người gốc Việt xây mái ấm tại đây, và theo một cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy 149 trong số 259 doanh nghiệp nhỏ dọc theo Đại lộ Dorchester là do người Việt làm chủ. Nhưng cũng có một số cư dân lớn đáng kể như Cape Verdean, Latino và Ireland, cùng với cộng đồng người da đen lâu năm, và ngày càng có nhiều chuyên gia đến ở các ngôi nhà thời Victoria trong khu Wellesley Park lân cận.

Cô Bianca Ortiz-Wythe, lớn lên ở Lower Mills và có sống ở Fields Corner trong vài năm, cho biết: “Chỉ trong dãy quanh khu nhà tôi, ra đường bạn sẽ nghe đến năm thứ tiếng. Đây là một cộng đồng tuyệt vời.”

Một tiệm bánh, nhà hàng và trung tâm y tế được xếp hàng dài trên đại lộ Dorchester.(Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Đó cũng là một cộng đồng mà cho đến nay, tương đối chứng kiến ít sự phát triển lớn mạnh đến làm thay đổi các khu vực khác từng là nơi quần tụ tầng lớp lao động ở Boston. Không có tòa chung cư mới lạ mắt, quán rượu hoặc studio dọc trên đoạn đường Dot Ave.

Một cửa hàng Target vừa khai trương và nhà bán lẻ quần áo EbLens đã mở rộng thành một tiệm hàng đầu ở ngã tư đại lộ Dorchester và đường Park. Một số tiệm mới hơn – kể cả Reign Drink Lab và 50Kitchen – khai trương ở cạnh chỗ cùng với những nhà hàng lâu đời như The Blarney Stone và Ánh Hồng.

Nhưng phần lớn dải Dot Ave. trông như đã tồn tại qua nhiều thập niên. Dọc hai bên phố san sát nhà ba tầng và các dãy nhà nhỏ cho nhiều gia đình cũ hơn, tuy vẫn có giá phải chăng, là nơi sinh sống của các gia đình nhiều thế hệ đã gọi nơi đây là nhà.

Bà Jackey West Devine, giám đốc điều hành của Fields Corner Main Street cho biết: “Đây là một trong những chỗ cuối cùng trong thành phố không có cảm giác choáng ngợp và mới mẻ. Dường như hơi cũ một chút. Nhưng thoải mái và là nơi mọi người có thể tìm được những gì họ muốn”.

Tuy nhiên, thay đổi đang xảy ra.

Từ khu đa dụng Dot Block gồm 488 căn hộ ở Savin Hill đến một cụm nhà chung cư ở quanh trạm xe điện Ashmont MBTA, những khu nhà sang trọng hơn bắt đầu mọc lên tương đối gần đó. Xa hơn một chút, việc lập kế hoạch cho Dorchester Bay City đang được tiến hành, một khu hỗn hợp gồm phòng thí nghiệm và nghiên cứu rộng 34 mẫu Anh tại địa điểm Bayside Expo Center cũ, hứa hẹn mang lại hàng ngàn việc làm tốt cho khu vực lân cận. Các phiên bản dự thảo của kế hoạch Glover’s Corner – việc nghiên cứu khiến cô Hứa lo lắng và rồi từ đó mở rộng sang nhiều ngôn ngữ nữa – phác thảo các chương trình phát triển quy mô lớn trên các bãi đậu xe cũ và các tòa nhà công nghiệp ở phía đông đại lộ Dorchester.

Điều đó khiến một số người đang sống trong khu Fields Corner lo ngại những gì sắp tới chắc sẽ đẩy những người như Markeisha Moore ra đi. Bà sống ở Dorchester cả đời, nuôi dạy con cái lớn lên ở Fields Corner khi khu phố còn không có ai muốn ở. Bây giờ, bà Moore lo rằng bà sẽ phải ra đi thôi.

Bà Moore nói: “Chúng tôi tạo ra cộng đồng này. Những người mới đến, những người cũ, người Da đen, người Ái nhỉ lan. Họ nói rằng: ‘Chỗ này là đống rác. Bạn muốn thì giữ nó’. Và chúng tôi đã giữ nó. Bây giờ, nó trở thành món hàng tuyệt vời và chúng tôi thì không còn cần nữa”.

Cô Lisette Lê, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận phát triển cộng đồng VietAID, cho biết, ngăn chặn việc di dời và bảo đảm cho cư dân có thể ở lại, ngày càng là mối quan tâm hàng đầu đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội trong khu vực.

Đường xe điện Đỏ MBTA đi ngang qua trên đại lộ Dorchester ở Fields Corner. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Nhóm của cô là một trong tám cơ quan địa phương hợp tác để tạo ra Fields Corner Crossroads, nhằm mục đích xử lý hữu hiệu hơn các nhu cầu đa dạng về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội quanh khu vực lân cận. Họ cũng muốn vận động cho những người mà họ phục vụ khi cơ sở phát triển mới được xây cất.

Cô Lisette Lê nói. “Nếu chúng tôi cam kết hướng tới sự đa dạng chủng tộc và cốt lõi của tầng lớp lao động ở khu Fields Corner, thì điều đó có nghĩa là gì? Tác động của DotBlock hoặc Bay City sẽ ảnh hưởng đến phần cốt lõi cụ thể này. Làm thế nào mà chúng ta hợp với nhau để bảo đảm rằng họ có thể ở lại? ”

Áp lực bất động sản cũng đè nặng lên cộng đồng doanh nghiệp nhỏ của khu vực lân cận và trên các cơ hội cho cảnh quan công cộng và sáng tạo. Tổ chức Dorchester Youth Collaborative, đã phục vụ giới trẻ địa phương trong bốn thập niên, gần đây phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19 và kế hoạch thực hiện một trung tâm nghệ thuật mới bị ngưng lại.

Mùa thu năm ngoái, Dorchester Arts Project mở một gian triển lãm ở Fields Corner để giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ địa phương. Nhưng đó chỉ là ý của người thuê và tầm vóc quốc gia cũng đang xem xét chuyện này. Giám đốc chương trình Sam Potrykus cho biết, các nhà phát triển có liên lạc tìm hiểu thêm về cộng đồng, nhưng chưa có ai cam kết hỗ trợ tài chính. Anh đang lo lắng không biết cả nhóm có thể kéo dài chịu đựng được.

Anh Anny Thạch, 22 tuổi, cư dân lâu đời ở Dorchester làm việc cho Dorchester Arts Project phát biểu: “Tôi rất mong Fields Corner trở thành một trung tâm đa văn hóa, không chỉ cho cộng đồng người Việt hải ngoại, mà còn là nơi cộng đồng người Việt có thể chia sẻ khung cảnh với cộng đồng Da đen, cộng đồng La tinh, cộng đồng những người thuộc các nhóm bên lề. Liên đới có sức mạnh sâu đậm khi mọi người cảm thấy được hoan nghênh”.

Những người có nhu cầu lấy thức ăn miễn phí từ tủ lạnh cộng đồng gần đường xe điện Đỏ MBTA ở Fields Corner. (Hình của DAVID L. RYAN / GLOBE STAFF)

Ông Paul Watanabe, giáo sư khoa học chính trị tại UMass Boston, người lâu năm nghiên cứu các cộng đồng nhập cư ở thành phố, kể cả những cộng đồng ở khu Fields Corner, cho biết. Đây là một sức mạnh chính trị đáng kể. Ông thấy họ liên kết với các nhóm châu Á lâu đời hơn có trụ sở tại Phố Tàu và với các nhóm vận động về nhà ở trên toàn thành phố, để cùng nhau thúc đẩy các chính sách giúp ngăn chặn việc di dời trong khi những phát triển đầu tư mới lan tràn khắp khu vực lân cận.

Ông nói: “Những tranh chấp đã diễn ra trong nhiều thập niên qua việc di dời ở khu Phố Tàu sẽ giúp mọi người đương đầu với những tranh chấp tương tự ở Fields Corner. Giờ đây, thật có nhiều ý nghĩa hơn về một cộng đồng trải nghiệm.”

Cộng đồng đó đã tập hợp những người như bà Moore, gốc Da đen, và cô Hứa, có mẹ từ Việt Nam đến đây. Cả hai đều đang sinh hoạt với Dorchester Not for Sale – một nhóm được thành lập phần lớn để hưởng ứng kế hoạch của BPDA’s Glover’s Corner – và cả hai đều đang nhắm đến một mục tiêu: Fields Corner là nơi cư ngụ cho những người giống như họ hướng về tương lai.

Cô Hứa về lại Fields Corner sau khi hoàn tất đại học để làm việc trong cộng đồng. Cô muốn sống ở đó, giống như mẹ cô. Nhưng cô không biết điều đó có khả thi cho thế hệ của mình.

Cô nói: “Liệu 10 năm nữa tôi vẫn có đủ niềm tự hào đã lựa chọn đúng? Tôi muốn mua nhà ở đây, sống mọc gốc rễ tại nơi này. Mà chưa biết có thể làm được hay không?”

Tim Logan và Janelle Nanos
Ban biên tập báo Boston Globe
Ngày 28 tháng 4 năm 2021

Liên lạc với Tim Logan: timothy.logan@globe.com.
Theo Tim Logan trên Twitter: @bytimlogan.
Liên lạc với Janelle Nanos: janelle.nanos@globe.com.
Theo Janelle Nanos trên Twitter: @janellenanos.