Hôm thứ Ba (18/5), một chiến dịch kéo dài nhiều năm để đưa một phần của Fields Corner được chỉ định là một khu văn hóa chính thức mang tên là “Little Saigon” cuối cùng đã được Hội đồng Văn hóa tiểu bang Massachusetts chấp thuận. Cuộc bỏ phiếu của cơ quan quản lý hội đồng được nhất trí thông qua sau những phát biểu ủng hộ từ Hội đồng Thành phố Boston, cựu Thị trưởng Marty Walsh và đương kim Thị trưởng Kim Janey, cùng với nhiều người ủng hộ từ cộng đồng gốc Việt trong và ngoài vùng Dorchester.
Đề xuất cũng nhận được thêm sự ủng hộ vào hôm thứ Ba từ Thượng nghị sĩ tiểu bang Nick Collins, Dân biểu tiểu bang Dan Hunt và các Nghị viên Hội đồng thành phố Frank Baker và Michelle Wu. Như vậy, sự chấp thuận này có ý nghĩa gì? Có phải Fields Corner bây giờ được gọi là Little Saigon không? Không phải đâu, những người đề xuất ý tưởng này cho biết.
Việc chỉ định khu văn hóa không thay thế tên Fields Corner; thay vào đó, nó biểu thị một “địa danh biểu trưng” nhằm đưa Dorchester nổi bật trên bản đồ mời gọi mọi giới khách viếng rộng lớn hơn muốn đến thăm phần này của khu phố để thưởng thức những nét độc đáo của văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm qua nếp sống của người Mỹ gốc Việt – đích thực – tại nơi quần tụ đông đảo nhất ở Boston.
Cô Annie Lê, người đứng đầu tổ chức Boston Little Saigon đã vận động mạnh mẽ nhất cho việc chỉ định: “Chúng tôi hy vọng sẽ mang lại nhiều nhận thức hơn về nghệ thuật và văn hóa Việt Nam do những bậc trưởng thượng truyền lại cho chúng tôi và hoan nghênh những ý tưởng mới từ thế hệ trẻ của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với mọi thành viên trong cộng đồng, láng giềng và chủ doanh nghiệp để tạo thêm cơ hội và xây dựng nhiều hỗ trợ sống động hơn cho nghệ thuật và cho các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực Fields Corner”.
Trên trang web riêng, những người sáng lập nêu rõ rằng việc chỉ định tên của khu vực không nhằm để bất kỳ ai đứng bên lề. Họ nói:
“Mục đích của chúng tôi không phải chỉ quảng bá hoặc công nhận văn hóa của chúng tôi mà xem nhẹ những nền văn hóa khác. Chúng tôi tôn trọng lịch sử phong phú và đa dạng của Dorchester. Chúng tôi luôn tìm kiếm mọi cơ hội hợp tác”.
Như cô Annie Lê và nhiều người cho biết: khu vực là nơi đặt trụ sở của cơ quan VietAID, được coi là Trung tâm Cộng đồng của người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, cùng với Trung tâm Phật giáo, chùa Lục Hòa trên đường Park. Và, dĩ nhiên, khu vực có hình dạng ngoằn ngoèo – bao gồm một đoạn dài của đại lộ Dorchester, có thêm vài phần của các đường Adams, Park và Charles – là nơi có hàng chục cửa hàng và quán ăn do người Việt làm chủ.
Việc bàn thảo tới lui về ý tưởng quảng cáo tiếp thị một phần của khu phố đa văn hóa này cũng không thể tránh khỏi tranh cãi. Trong số đó có tôi, ban đầu do dự khi thấy Boston khoanh vùng cho một nhóm sắc tộc phục vụ cho khách du lịch. Nhưng những người ủng hộ đề xuất cụ thể này đã trình bày ưu điểm làm sáng tỏ trường hợp của họ và làm an lòng hầu hết, nếu không phải là tất cả, những người đã nêu ra mối quan ngại.
Sự tăng trưởng là điểu đáng chú ý ở đây. Việc chỉ định có nghĩa là khu vực này, cùng với 50 địa điểm khác tương tự trên toàn tiểu bang, đủ điều kiện để được cấp quỹ nhằm hỗ trợ nghệ thuật và tiếp thị trong vùng đón du khách. Theo một tuyên bố của Hội đồng Văn hóa Massachusetts, các doanh nghiệp nằm trong khu vực “có thể đủ điều kiện để nhận thêm các nguồn lực để phát triển kinh tế, bao gồm các khoản tín dụng thuế của tiểu bang và quỹ tài trợ từ các cơ quan công quyền khác”.
Chúng tôi hy vọng rằng nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy một mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi từ lâu: Xóa bỏ những định kiến tiêu cực về khu phố này và khuyến khích những người mới khám phá bản chất đa văn hóa, phong phú của cuộc sống trong thành phố.
Bill Forry
Chủ Biên, báo Dorchester Reporter
Ngày 19 tháng 5 năm 2021
Nguồn: https://www.dotnews.com/2021/editorial-welcome-little-saigon