Những Gì Vi Rút Corona Đã Trui Rèn Cho Một Khu Phố Boston

Bà Robin Williams đang đi với hai con Takari, 7 tuổi và Anthony, 8 tuổi, trong khu phố Fields Corner, thành phố Boston vào tuần trước. Bà cho biết cần phải mua sắm và dự phòng. “Chúng tôi vẫn phải lo cho cuộc sống hàng ngày chứ.” (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Các cơn dư chấn, hết đợt này đến đợt khác, đã rung chuyển khắp vùng Dorchester của khu phố Fields Corner. Anh Anthony Caldwell đứng lẻ loi trong tiệm 50Kitchen, quán ăn mà anh ta mới mở chỉ ba tuần trước, não nề về khoản nợ vay trong khi phải vứt bỏ các thức ăn hư không thể bán. Em Josiehanna Colon, một học sinh lớp mười trung học và là con một, đang lướt qua Snapchat, tìm đọc truyện tranh hài hoặc bất cứ tin gì để giết thời giờ. Còn bác sĩ Huy Nguyễn sẵn sàng trong chiếc áo choàng, với đôi găng tay, mặt nạ phòng độc N95 và tấm khiên che mặt tại một phòng khám địa phương trước khi khám bệnh cho một trẻ mới chập chửng biết đi.

Đại dịch coronavirus đã bùng phát trên toàn cầu, đóng cửa các biên giới và gây kinh hoàng cho các chính phủ; nó cũng đã len lỏi vào tân mọi khu phố, mang theo nỗi sợ hãi, sự cô đơn và mối đe dọa hủy hoại tiền của.
Những cảnh cô độc, cảnh giác láng giềng và lo lắng hiện ra trên khắp khu phố Fields Corner, nơi có 20 ngàn cư dân Boston thuộc mọi lứa tuổi, ngành nghề và quốc tịch, cho ta một cái nhìn thoáng qua về việc trở nên chung đụng như thế nào. Những người sống và làm việc ở đây đang vật lộn với những thực tế mà họ không bao giờ tưởng tượng được một tuần trước đó, và tự hỏi – như tất cả chúng ta – mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức nào, và tất cả những điều này có thể kéo dài đến bao lâu.

Cả khu phố, tập trung quanh ngã tư đại lộ Dorchester và đường Adams, đã trải qua một chuyển đổi sâu sắc.
Bà Wendy Issokson, chủ quán kem Chill on Park nói: “Đây là một khu vực nhộn nhịp và bận rộn. Nhưng dường như bây giờ, khi bạn đi ngang qua mọi người, sẽ chẳng có ai thèm nhìn đến bạn”.
Mới thứ Tư trước đây, một số cửa hàng đóng cửa, dán lên tấm bảng quen thuộc: “Vì vi rút corona . . . “. Các cánh cửa của thư viện công cộng, một tòa nhà gạch sừng sửng sau bảng hiệu “Chào mừng đến khu phố Fields Corner” đã đóng; một dãy kệ sách thiếu nhi theo chủ đề mùa xuân đang xếp ngay ngắn trong cửa sổ mờ tối. Người dân vội vã lướt qua nhau, một số đeo khẩu trang, không ai có tâm trạng kháo chuyện ngẩu.

Anh Robinson Paul (phải) nói đùa với con gái, em Kennedy, 11 tuổi, trong khi tụ tập làm bài trường cho ngay trong bếp nhà của họ. (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Trong một căn hộ ở tầng ba phía trên những con đường vắng, gia đình ông Robinson Paul, bà Gwendolyn Gustave-Paul, năm đứa con và hai con mèo thường chuẩn bị cho một ngày mới.
Vào một ngày học bình thường, các em dậy lúc 5 giờ 30 sáng. Bà Gwendolyn lo cho em Aleczander 7 tuổi, mắc chứng tự kỷ và không biết nói, đánh răng và làm vệ sinh. Cho những đứa trẻ đến trường, bà Gwendolyn, 37 tuổi, đến lớp học nấu ăn, và ông Robinson, cũng 37 tuổi, bắt đầu một ngày làm việc, chở khách đón xe Uber và Lyft, phiên việc kéo dài tới 13 giờ.

Nhưng những việc này không còn xảy ra nữa. Trường Dạy nấu ăn và trường công đã đóng cửa, và bà Gwendolyn có năm học sinh ở nhà, một số rất cần chăm sóc. Cô con gái lớn Madison, cũng mắc chứng tự kỷ, và em út Aleczander, cần phải trị liệu vài giờ mỗi ngày, cần có chỗ yên tĩnh, riêng biệt để học.
Bà Gwendolyn cho biết: “Tôi hoàn toàn không biết cách dạy cháu để cháu không mất bất kỳ kỹ năng nào cháu học được ở trường. Tôi thậm chí không biết bắt đầu từ đâu”. Bốn trẻ khác học giỏi, xếp hạng danh dự – nhưng làm sao để chúng giữ được mức hạng đó?”

Ông Robinson không còn lái xe nữa; ông không muốn mạo hiểm truyền vi rút cho vợ, người bị bệnh lở da hoặc cho đám con, ba đứa bị hen suyễn.
Hôm thứ năm, hai vợ chồng chỉ còn có 55 xu trong tài khoản ngân hàng, thậm chí không đủ để mua thêm tả lót cho Aleczander, đã sắp hết rồi.
Bà Gwendolyn nói đùa: “Chúng tôi có thể quay trở lại sống thời hoang dã. Chúng tôi đã xem phim “The Good Dinosaur” và bé Dinosaur không cần phải mặc tả. Tôi có thể chạy theo sau cháu, xách một chai xịt”.
Thế giới bên trong căn hộ đã thay đổi gần như thế giới bên ngoài.

Ông Robinson Paul đi bộ từ trạm bưu điện về nhà. (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Vào cuối tháng giêng, đôi vợ chồng quyết định ly thân, và mới đây cách hai tuần trước, ông Robinson tìm một nơi ở mới. Nhưng bây giờ họ bị mắc kẹt ở chung nhà với nhau, và, mọi thứ khác trong tương lai không có gì chắc chắn, họ quyết định lại không bỏ nhau nữa.
Ông Robinson nói: “Thật bất ngờ, mọi thứ đều thay đổi. Như vũ trụ đã phán, ‘Các bạn không có thể xa nhau”.
Ông nộp đơn xin công ty Uber trợ cấp trong hai tuần, cho các tài xế được chẩn đoán hoặc bị cơ quan y tế công cộng yêu cầu tự cách ly, và sau khi một phóng viên của báo Boston Globe liên lạc với Uber để xác nhận tình trạng, ông đã nhanh chóng được cho nghỉ phép.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau hai tuần kết thúc?

* * *

Một người đàn ông đứng ở ngã tư đại lộ Dorchester và đường Adams tại Fields Corner. (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Phục vụ cho một cộng đồng người Mỹ gốc Việt sinh động, trung tâm VietAID nằm ở giữa khu phố Fields Corner thường nhộn nhịp với trẻ mẫu giáo, học sinh, nhân viên và người cao niên. Nhưng trong những ngày này, trung tâm thật yên tĩnh, chỉ mở cửa để phân phối bữa ăn sáng. Những người từng lui tới hàng ngày bồi hồi nhớ bầu không khí sinh hoạt ở đó.

“Tôi cảm thấy rất cô đơn khi ở nhà”, ông Sung Nguyễn, 79 tuổi, nói bằng tiếng Việt được cô Christine Nguyễn, Điều phối viên Trung tâm Cộng đồng, thông dịch lại. Ông Sung Nguyễn đến Trung tâm VietAID vào sáng thứ Sáu để lãnh một phần ăn trưa nóng sốt.
Ông Sung Nguyễn cho biết: “Trước đây, tôi thường đến trung tâm và tham gia các sinh hoạt. Tôi tập yoga theo nhóm, tôi ngồi cùng bạn bè và vui chơi với nhau, nói kể bất cứ chuyện gì, chúng tôi hát karaoke cả ngày. Bây giờ chúng tôi chỉ ở nhà mà chẳng có chuyện gì làm”.
Ông sống với vợ trong căn hộ một phòng ngủ gần đó. Ở đó, ông xem TV, theo dõi sát tin tức và uống trà gừng và tỏi để ngăn ngừa nhiễm trùng. Ông biết, hầu hết những người mới chết vì coronavirus trên toàn thế giới đều là người già.
Ông Sung Nguyễn nói: “Tôi cảm thấy rất lo lắng về vi-rút lây nhiễm vào cơ thể mình”. Nhưng ông rất cẩn thận và vẫn cảm thấy được kết nối với những người bên ngoài, ngay cả khi ông không có thể gặp thấy họ. Nhân viên và bạn bè ở Trung tâm VietAID gọi để thăm hỏi và nhắc ông nhớ rửa tay. Khi mọi thứ trở nên quá yên tĩnh, ông nhấc điện thoại và gọi hàng xóm trong khu nhà ở quanh mình, chỉ là cho có việc để làm.

* * *

Ông German Larmonie đang đợi một chuyến tàu tại nhà ga MBTA ở trạm Fields Corner.(Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Nỗi cô đơn đang ngấm vào khắp nơi. Em Josiehanna Colon, một thiếu niên 16 tuổi rất năng động, không còn có dịp dùng xe công cộng MBTA đến trường trung học New Mission, nơi em đang học năm thứ hai. Các buổi họp mặt của câu lạc bộ Tranh luận và tuổi trẻ trong chính quyền đã bị hủy bỏ. Em muốn thử sức với đội bóng mềm năm nay, nhưng chắc lịch tập dượt cũng đã hủy bỏ. Em nhớ nhiều bạn bè của mình và, ngạc nhiên thay, cả các giáo viên dạy em nữa.
Em Colon sống trong gia đình nói tiếng Tây Ban Nha, cho biết: “Đặc biệt là con một, được cắp sách đến trường – đây là dịp duy nhất tôi giao tiếp với bạn bè trang lứa bằng tiếng Anh”.
Để qua thời gian rãnh rổi và giúp đỡ gia đình, em xin nhận thêm phiên tại Chill on Park, nơi em làm việc. Ở đây cũng yên tĩnh – không ai có thể ngồi bên trong và em không thể mời ai nếm thử vị nữa. Nhưng ít nhất ở đó, có việc được trả lương mà em thường chia sớt với bà ngoại để giúp trang trải các chi phí.
Khi không bận việc, em lướt qua trang Facebook và Snapchat, tìm chút gì phấn khởi nức lòng hay khoan khoái thoải mái.
Em nói: “Tất cả mọi người đều căng thẳng. Tôi dùng Facebook rất thường, ít ra cũng để thư giãn”.

* * *

Ông Jose Vasquez cầu nguyện tại Nhà thờ Công giáo Saint Mark. (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Ở một góc khác của khu phố, Linh mục Marcos Enrique cũng đang dành thời gian trên Facebook, phát trực tiếp thánh lễ đơn độc của mình từ Nhà thờ Công giáo St. Mark. Có nhiều buổi sáng, ông thấy tiền đô la và ngân phiếu từ các giáo dân trong hộp thư của mình, bởi vì không còn xin tiền trong lễ Chúa nhật. Cửa nhà thờ vẫn mở, nhưng ít người cầu nguyện bên trong.
Linh mục cho biết: “Tôi đang lo cho mọi người và mọi người lại lo lắng cho tôi”.

* * *

Chủ chợ David Nguyễn và chị gái Huyền Nguyễn làm tại quầy tính tiền A-C Farm Market ở Fields Corner.(Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Nhịp điệu sôi động của phố thương mại trên đại lộ Dorchester bị phá vỡ, như thể bị một trận chiến hoặc một thiên tai ập tới. Một số cửa hàng choáng ngợp bởi số đông khách mua, trong khi những tiệm quán khác đang ngắc ngoải chờ khách bất chợt. Tại chợ A-C Farm, cửa hàng do gia đình làm chủ, cá hộp bị vét sạch khỏi kệ, cũng như mì ăn liền, bí, cà rốt và củ cải – bất cứ thứ gì có thể tồn trử lâu dài.
Ông David Nguyễn, 35 tuổi, tài xế và là người nhà của gia đình chủ chợ. Ông thường lấy hàng cách ngày tại Trung tâm Rau Củ New England; bây giờ ông đi sáu lần một tuần để cung ứng theo kịp nhu cầu.
Ông nói: “Chúng tôi làm không kịp thở”.

* * *

Chủ tiệm và đầu bếp Anthony Caldwell đứng nhìn từ cửa quán ăn 50Kitchen trong khu phố Fields Corner thành phố Boston. (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Nhưng trên đường phố, các nhà hàng bị buộc phải chuyển sang bán mang về và giao hàng chỉ đem thêm một gánh nặng hoàn toàn khác.
“Thật là đại họa”. Anh Caldwell, người lớn lên ở Dorchester, mới mở 50Kitchen, một nhà hàng chuyên về món Nam Mỹ và châu Á, chỉ ba tuần trước.
Đó không phải là một con đường dễ dàng thực hiện giấc mơ của anh. Anh Caldwell đã học nấu ăn trong tù và tân lực làm việc như một đầu bếp suốt một thập niên, trước khi đoạt giải trong cuộc thi kinh doanh nhỏ để mở tiệm ở khu phố Fields Corner. Sau hai năm xây dựng, 50Kitchen đã khai trương vào tháng trước.
Nhà hàng vẫn có thể giao hàng, nhưng do vi rút tấn công quá sớm trong tiến trình kinh doanh, nên chưa thiết lập được hệ thống gọi vào đặt hàng và có rất ít khách thường xuyên lui tới. Anh rất biết ơn một số khách đã cố gắng mua thẻ quà tặng hoặc gửi đóng góp.
Anh Caldwell cho biết: “Tôi đang nợ hàng trăm ngàn đô la. Tôi phải kiếm ra tiền”. Hôm thứ Tư, thay vào đó, anh buộc phải vứt tiền đi, loại bỏ hơn hai tá cá hồi bầm miếng mà anh chắc không thể bán hết trước khi bị hư. Nhưng trên hết anh mong ước mình đang ở trong bếp.
Anh ngậm ngùi: “Đây là con đẻ của tôi mà”.

* * *

Bé Fallon Senat, 4 tuổi và anh trai Noah, 9 tuổi, xếp hàng chờ lãnh phần ăn sáng và bữa trưa miễn phí với mẹ Naomie Senat tại Community Academy of Science and Health (Trường trung học CASH). (Ảnh của Craig F. Walker / Ban Biên tập Boston Globe)

Tại sân chơi Doherty-Gibson, cô Skye Ortiz, 28 tuổi, đang trông chừng các con của mình, khi chúng tuột xuống cầu trượt và chạy đua qua cầu. Trời nắng và ấm áp, nhưng đám con của cô là những đứa trẻ duy nhất ở bên ngoài trời.
Cô nói: “Tôi rất lo lắng”. Nhưng cô đâu còn làm gì được với ba đứa trẻ dưới 4 tuổi? Cô sống trong một nhà tạm trú cách đó khoảng 25 phút; một người vận động gọi cho cô vào tuần trước hỏi liệu cô có đủ giấy vệ sinh và thức ăn trong hai tuần tới không. Cô trả lời có đủ. Cho bây giờ.
Không có sách hướng dẫn dành cho phụ huynh hoặc những người chuyên chăm sóc trẻ em. Họ được khuyên gì? Họ nên chuẩn bị như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn, một bác sĩ nhi khoa và Giám đốc Y tế tại DotHouse Health, đã phải mặc đồ bảo hộ đầy đủ vào tuần trước để điều trị cho một trẻ mới biết đi. Thông thường, nếu một bác sĩ nhi khoa bước vào phòng khám với tấm chắn mặt và khẩu trang, người nhà và con trẻ có thể bị cảnh giác báo động. Các bác sĩ ở đó thường cũng không mặc áo khoác trắng khi khám trẻ em để tránh cảm giác báo động cho chúng.
Bác sĩ Nguyễn phải nói: “Tôi có nói, ‘Này, những gì chúng tôi đang làm là để giữ cho quí vị được an toàn”. Đứa trẻ và người mẹ tỏ vẻ thông cảm. Họ hiểu ngay: Mọi thứ bây giờ đã đổi khác.

Zoe Greenberg
Ban Biên tập báo Boston Globe
Ngày 21 tháng 3 năm 2020
Liên lạc: zoe.greenberg@globe.com hay Twitter @zoegberg.

Nguồn: https://www.bostonglobe.com/2020/03/21/nation/what-coronavirus-has-wved-single-boston-neQU/