‘Chúng tôi ngồi không cả ngày và chẳng có khách hàng’: Khi đại dịch hoành hành, người Mỹ gốc Á lo lắng sinh kế đang bị đe dọa

Nhân viên tiệm nail Amy Nguyễn đã bị cắt giảm giờ làm việc vì ảnh hưởng của đại dịch coronavirus. Một mẹ đơn thân có hai con nhập cư đến Boston từ Việt Nam cách đây 18 năm, hình chụp cô trong văn phòng của cơ quan VietAID, một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ người di dân gốc Việt tại khu phố Fields Corner. (Ảnh của PAT GREENHOUSE / GLOBE STAFF)

Khi tiệm làm móng ở khu phố Charlestown đóng cửa theo lệnh của thống đốc vào mùa xuân năm ngoái để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Amy Nguyễn, một người thợ làm móng, đã mất việc và nếm mùi thất nghiệp lần đầu tiên trong đời.

Một mẹ hai con, cô Amy Nguyễn, nhập cư đến Boston từ Việt Nam cách đây 18 năm, ban đầu rất lúng túng khi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhưng nhờ người bạn trai nói tiếng Anh giúp cô điền xong đơn mà cô rất khó khăn mới hiểu hết được và giờ thì cô an tâm ở nhà trong khi lớp của các con chuyển sang học trực tuyến.

Không giống như trước kia khi tiệm mở cửa lại vào tháng Sáu vừa qua.

Cô Amy Nguyễn, 41 tuổi, người được trả lương theo giờ và hiện chỉ làm việc hai ngày một tuần cho biết: “Chúng tôi ngồi không cả ngày và chẳng có khách”. Cô phải dùng đến tiền tiết kiệm cộng thêm một phần trợ cấp thất nghiệp để sống lây lất. “Tôi lo lắng khi trời trở lạnh, tiệm sẽ bị đóng cửa lại.”

Người Mỹ gốc Á nhìn chung có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên toàn quốc trong vòng 15 năm qua. Nhưng thành công của họ như là một nhóm che lấp sự chênh lệch sâu sắc giữa những người có thu nhập cao nhất và những người có lợi tức thấp nhất, đây là những người đang phải vật lộn vất vả khi đại dịch tiếp tục.

Trên toàn quốc, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Á đã tăng lên kể từ khi đại dịch bắt đầu. Vào tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Á tăng lên đến mức cao nhất trong 20 năm là 15% – mức tăng 500% kể từ tháng 2. Đến tháng 10, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Á đã hồi phục một phần, giảm xuống còn 7.6 phần trăm – cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của người da trắng là 6%, thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp của người Da đen và Latino lần lượt là 10,8% và 8,8%. Nhưng con số này vẫn cao gần gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp của họ một năm trước đó. Và nhiều người, giống như cô Amy Nguyễn, lo sợ sinh kế của họ đang bị đe dọa bởi đại dịch.

Bà Marlene Kim, giáo sư kinh tế học tại Đại học Massachusetts Boston cho biết: “Đây đích thật là một trận bão hoặc ắt hẳn là một cơn bão tồi tệ vì có rất nhiều yếu tố tác động”.

Bà lưu ý rằng người Mỹ gốc Á có xu hướng sống ở các thành phố ven bờ biển phía tây và phía đông nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus. Công nhân gốc Á cũng chiếm đa số trong các ngành phải hứng nhiều thiệt hại do việc đóng cửa và lệnh ở tại nhà, chẳng hạn như nhà hàng, tiệm bán lẻ và các dịch vụ cá nhân, như tiệm làm móng và tiệm giặt khô. Bà Kim nói thêm rằng thành kiến ​​chống người châu Á cũng có thể đóng một vai trò nào đó nữa.

Bà Kim cho biết. “Có khá nhiều giai thoại làm bằng chứng cho thấy mọi người đã tránh các khu phố Tàu hoặc các doanh nghiệp do người châu Á làm chủ vì họ nghĩ rằng người châu Á có COVID,”

Tại khu phố Tàu của Boston, việc kinh doanh trở nên chậm chạp kể từ tháng 2, khi tin tức trường hợp bị nhiễm coronavirus đầu tiên của thành phố xảy ra ở một sinh viên đại học mới từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về.

Các nhà hàng  vắng khách và tình trạng sa thải nhân viên diễn ra cùng khắp. Một số khách hàng đã quay trở lại, khi các quán ăn chuyển sang kiểu bán mang đi và giao hàng tận nhà. Nhưng những con đường nhộn nhịp một thời của khu Phố Tàu giờ đây yên tĩnh đến lạnh người trong tuần làm việc khi giờ ăn trưa vội vã từ các văn phòng gần đó đã tan biến.

Debbie Ho, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Chinatown Main Street cho biết về hoàn cảnh của các doanh nghiệp nhỏ trong khu phố. “Tôi thực sự lo lắng: làm thế nào để họ có thể thanh toán các chi phí của mình”. Ho lưu ý, một số doanh nghiệp ở Chinatown đã tận dụng Chương trình Bảo vệ Tiền lương của chính phủ liên bang, nhưng đối với nhiều người, các khoản vay vẫn chưa đủ.

Ho nói: “Rất nhiều doanh nghiệp thiếu tiền thuê nhà và nợ cả tiền thuê nhà dài trước đó. Bà đề cập đến một người chủ kinh doanh tại địa phương, hiện đang thiếu tám tháng tiền thuê nhà, mà “không có lấy bất kỳ một khách hàng nào”.

Bà Kim lo ngại các doanh nghiệp nhỏ này có thể không bao giờ phục hồi hoàn toàn, đặc biệt nếu các công ty mà các doanh nghiệp cung cấp này thực hiện luôn chính sách làm việc tại nhà hoặc linh động cách khác. Hậu quả đối với những công nhân mà họ thuê mướn – nhiều người nhập cư trong số họ biết rất ít hoặc không nói được tiếng Anh – có thể rất là khủng khiếp.

Bà Kim nói. “Hiện nay có rất nhiều cơ sở sắp ngừng kinh doanh; họ không thể tiếp tục. Tôi nghĩ có mối lo sẽ đóng cửa nhiều hơn cho đến khi có thuốc chủng để mọi người cảm thấy thoải mái đi mua sắm và ra ngoài ăn uống trở lại. Nhưng có thể có những thay đổi lâu dài vĩnh viễn và việc làm sẽ không bao giờ trở lại như cũ”.

Bà Angie Liou, giám đốc điều hành của Asian Community Development Corporation có trụ sở tại Chinatown, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển và quản lý nhà ở giá rẻ chủ yếu dành cho những người nhập cư gốc Á có thu nhập thấp, cho biết “rất khó để biết khi nào thì những công việc đó sẽ trở lại bình thường”.

Trong khi đó, các tổ chức như của bà đang cố gắng bổ sung vào những khoảng trống. Vào tháng 3, ACDC, hợp tác với một số tổ chức phi lợi nhuận địa phương, đã khởi động Quỹ cứu trợ cộng đồng châu Á để hỗ trợ những công nhân gốc Á bị mất thu nhập. Các nhóm quyên góp được khoảng $350,000, và ACDC đã phân phát cho gần 360 hộ gia đình. Bà Liou cho biết, gần một nửa số tiền đó được phân phát đến các gia đình không có giấy tờ hợp pháp, những người không đủ điều kiện nhận phúc lợi xã hội, hoặc những người lao động đi làm nhận tiền mặt, do đó không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.

Nhưng theo bà Liou, có rất nhiều e ngại trong số các gia đình nhập cư lo lắng về việc gây nguy hiểm cho tình trạng nhập cư của họ bằng cách tận dụng các chương trình này. Bà cho biết những lời lẽ và chính sách chống người nhập cư gây nhức nhối của Tổng thống Trump đã tạo ra một “môi trường thù địch” cho những người nhập cư và không khuyến khích những người ở đây dù hợp pháp tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bà Liou nói “Các quỹ cứu trợ khẩn cấp khác “đã hết tiền ngay khi họ có thể huy động được. Nhu cầu rất lớn”. “Ban đầu chúng tôi khởi sự chậm chạp… Và chúng tôi tin là do mọi người thực sự sợ hãi, ngay cả khi họ được tính đến, dù có hay không hợp pháp ở đây.”

Cô Lisette Lê, giám đốc điều hành của VietAID, một tổ chức phi lợi nhuận phục vụ người nhập cư gốc Việt ở khu phố Fields Corner, vùng Dorchester, dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở người Mỹ gốc Á sẽ tăng vọt trở lại vào mùa đông này khi nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với áp lực của làn sóng nhiễm coronavirus thứ hai trong tiểu bang.

Cô Lisette Lê nói: “Thấy phát sợ khi chưa biết tương lai sẽ như thế nào”. “Chúng tôi phục vụ rất nhiều thợ làm móng và chúng tôi vẫn chưa biết hết tác động của đại dịch và việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành làm móng cũng như mùa đông sẽ ra sao đối với chúng tôi”.

Cô nói thêm: “Không nhất thiết tính đến tỷ lệ nhiễm COVID”. “Chúng tôi luôn lo lắng về giá lạnh, mùa đông ở Massachusetts thường là thời gian chậm chạp cho các tiệm làm móng”.

Vào thời cao điểm của đại dịch hồi mùa xuân này, cô Christine Nguyễn (không có liên hệ với Amy Nguyễn), điều phối viên của VietAID, đã trả lời đến 30 cuộc gọi mỗi ngày từ những di dân gốc Việt cần giúp đỡ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hoặc hỗ trợ đại dịch thất nghiệp. Cô Christine Nguyễn cho biết số lượng điện thoại gọi đến quá mức, và hệ thống điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp gặp nhiều trục trặc và rắc rối kỹ thuật. Cô cho biết thêm, các mẫu đơn bằng tiếng Anh, điều này cũng tạo ra trở ngại cho những người nói tiếng Việt mà cô đang cố gắng hỗ trợ.

Cô nói: “Rất nhiều người biết chút ít tiếng Anh cuối cùng lại bị phạt, lý do thay vì đợi văn phòng của chúng tôi liên lạc lại rồi giúp họ điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp, họ tự điền đại vào; đến khi nhận ra mình sai, họ gọi điện thoại xin lỗi.

Cô cho biết thêm: “Ngoài việc làm chậm trễ việc hưởng lợi ích, điều đó thực sự gây tổn hại, theo tôi thiết tưởng, cho ý thức tự lập và năng lực của mọi người”

Cô Amy Nguyễn, thợ làm móng ở Charlestown, luôn mơ ước mở một tiệm làm đẹp cho riêng mình. Nhưng gần đây, cô bắt đầu xem xét có thể tìm một việc làm khác thay thế, chẳng hạn như công việc trong một nhà máy. Tuy nhiên, cô lo ngại vốn tiếng Anh hạn chế sẽ cản trở chuyện tìm việc của cô.

“Tôi không biết mình có thể làm được gì,” cô giải thích thông qua một thông dịch viên tiếng Việt. “Và tôi không biết liệu có nơi nào muốn mướn tôi không.”

 

Bài của Deanna Pan
Ban Biên tập The Boston Globe
Ngày 19 tháng 11 năm 2020

Liên lạc với Deanna Pan: deanna.pan@globe.com. Theo dõi trên Twitter @DDpan.

 

Nguồn: https://www.bostonglobe.com/2020/11/19/nation/we-sit-all-day-have-no-customers-pandemic-wears-asian-americans-worry-livelihoods-are-line/