Tập trung vào các bữa ăn phù hợp với bản sắc, tổ chức phi lợi nhuận ở Dorchester phục vụ nhu cầu của cư dân gốc Việt

Vân Nguyễn (trái) và Quí Nguyễn (phải) chuyển những túi thức ăn, trong đó có các loại rau quả thích hợp để nấu các món ăn Việt Nam, đến hiên trước để phân phát. (Ảnh của Sarah Betancourt, GBH News)

Vào một ngày thứ Tư nhộn nhịp, các người tình nguyện đang tất bật bỏ đầy các túi nhựa với đủ các loại ớt xanh, bắp trái, quả đào – và các nguyên liệu được sử dụng đặc biệt trong các món ăn Đông Nam Á, như rau muống, hành lá và gừng. Vào những ngày khác, lại có gạo thơm, cải ngọt và cà tím thay nhau đong đầy cả túi.

“Đây là một trong những món rất phổ biến. Nhiều người dùng nó nấu canh. Bố mẹ tôi thường nướng chín trong lò rồi sau đó rắc hành lá, thêm nước mắm và chanh”. Cô Lisette Lê nói về món cà tím.

Cô Lisette Lê, Giám đốc Điều hành của VietAID, cho Sarah Betancourt của GBH News xem thành phần của một túi thực phẩm mà nhóm phân phát vào mỗi ngày thứ Tư. (Ảnh của Sarah Betancourt, GBH News)

Cô Lisette Lê, đứng đầu Cơ quan ​​Phát triển Cộng đồng Việt Mỹ, hay còn gọi là VietAID, một tổ chức phi lợi nhuận ở Dorchester phục vụ khách hàng chủ yếu là người Việt Nam. Cơ quan này ra mắt gian hàng thực phẩm của mình vào tháng 3 năm 2020, khi nhiều cư dân địa phương bắt đầu mất việc làm do nạn dịch COVID-19 và tình trạng thiếu thốn lương thực gia tăng đáng kể.

Cô Lisette Lê nói: “Lúc đầu, chúng tôi tưởng việc này chắc chỉ kéo dài hơn hai tuần hoặc trong một tháng”.

VietAID nhận thực phẩm quyên góp từ các tổ chức khác để phân phát lại cho cộng đồng – những mặt hàng điển hình như bắp đóng hộp, bánh mì cắt lát, rau diếp, mì ống và pho mát. Các tình nguyện viên sẽ đặt thùng bên ngoài để nhận lại bất kỳ thực phẩm nào không muốn đem về. Họ nhận thấy rằng các mặt hàng như khoai tây và nước sốt cà chua thường được trả lại.

Cô Lisette Lê cho biết: Tổ chức đã phải tự hỏi, Những thức đó có phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam không?  Vì vậy, họ bắt đầu bổ sung vào túi những nguyên liệu như gạo thơm hoặc bún, những mặt hàng chủ yếu trong ẩm thực Việt Nam, được mua từ các nông trại và siêu thị địa phương. Nhưng sau hai năm khởi động chương trình, với việc quỹ phòng dịch khẩn cấp cạn kiệt, câu hỏi được đặt ra là nguồn tài trợ lâu dài sẽ đến từ đâu.

“Đây chưa hẳn là một dịch vụ xã hội, mà đúng hơn là một cuộc trao đổi”

Bên ngoài tòa nhà trong một khuôn viên của trung tâm VietAID nằm trên đường Charles, cô Ngọc Phạm, điều phối viên thực phẩm của nhóm, trao túi cho những người cao niên khi họ bước dưới mái hiên, sau câu hỏi chào. Thực phẩm được phân phối lần lượt ai đến trước lãnh trước, cho tới khi hết hàng, theo tiêu chuẩn mỗi hộ một túi để được chia sẻ đến nhiều gia đình hơn.

Cô Ngọc Phạm cho biết ít nhất 80% những người đến lãnh là người Việt. “Tôi thông cảm với rất nhiều bà mẹ bên ngoài, những người đang lo lắng sao có đủ thức ăn cho con cái hàng ngày. Họ đồng cảm với tôi”. Cô nói thông qua thông dịch viên.

Cô không coi đó là một công việc từ thiện.

Cô nói: “Đây không phải là một dịch vụ xã hội, mà đúng hơn là một cuộc trao đổi“. Khi mọi người đến để lấy những chiếc túi này, tôi học được rất nhiều điều từ họ. Họ tâm sự về cách họ có thể chế biến những sản phẩm này hoặc chỉ cho tôi những công thức nấu nướng mới”.

Hôm đó, ông Thượng Nguyên 71 tuổi xin một túi. Qua thông dịch viên, ông cho GBH News biết các rau củ này là những nguyên liệu quen thuộc trong bếp núc Việt Nam.

“Hơn nữa, chúng mang nhiều chất dinh dưỡng, giàu sinh tố và khoáng chất mà một người già như tôi đều muốn có đủ trong người”. Ông cho biết thêm cách ông rửa sạch rau muống, lựa tách cộng với lá và làm món Rau Muống Xào Tỏi.

“Tôi sẽ luộc sơ chúng trong giây lát cho mềm rồi vớt ra” ông giải thích từng bước. “Tiếp theo, tôi sẽ xào với một ít dầu, vài tép tỏi và … thêm một ít muối, đường hoặc bột tỏi. Vậy là sẵn sàng để ăn”.

Một bà khác, 75 tuổi tên Nhung Châu cho biết bà nhận được những túi như vầy đã được vài tháng và thường nấu món canh rau với cà chua và một ít đậu phụ có sẵn ở nhà.

Bà nói, cũng qua thông dịch viên: “Đại dịch hẳn đã ảnh hưởng đến tôi. Tôi già rồi, lại không làm việc. Cho nên dễ dàng tiếp cận với thực phẩm ở một nơi gần nhà quả thực là hữu ích”.

Giữ theo sự bén nhạy sao cho phù hợp với bản sắc trong vấn đề thiếu thực phẩm vẫn là một vấn đề cấp bách.

Một số các thức ăn sắc tộc được mua bằng tiền mà VietAID được tài trợ qua Quỹ Boston Resiliency, quỹ này đã phân phát hàng chục triệu đô la cho các tổ chức phi lợi nhuận của thành phố trong suốt trận đại dịch và để họ linh động về những thứ có thể mua sắm. VietAID cũng nhận được tài trợ từ Văn phòng Tiếp cận Thực phẩm của thành phố.

Để có được nguồn cung cấp hàng tuần, cơ quan VietAID liên lạc với các tổ chức như Project Restore US và Fair Foods để mua các loại rau quả thường được phân phối cho các kho thực phẩm trên khắp Hoa Kỳ, như rau diếp và cà chua. Trong tuần dịp GBH News đến thăm VietAID, họ đã mua rau muống từ World Farmers ở Lancaster.

Hợp tác với VietAID từ năm 2020, bán các mặt hàng như cải ngọt, rau muống và củ đậu cho cơ quan. Tổ chức World Farmers làm việc với nhiều nông dân nhập cư.

Bà Maria Moreira, giám đốc điều hành sáng lập của World Farmers cho biết: “Từ khi thành lập, tổ chức của chúng tôi chuyên cung cấp các loại lương thực phù hợp với bản sắc cho các cộng đồng đặc trưng vì những nhà trồng trọt của chúng tôi phản ánh những cộng đồng đó”.

Tổ chức này thu mua sản phẩm của nông dân và bán lại cho các chợ nông sản địa phương, kể cả một chợ ở khu Field Corner, từ hơn 20 năm nay. Vì nhu cầu vẫn cần nhiều các sản phẩm tươi ngon, trồng tại địa phương, phù hợp với bản sắc nên người nông dân luôn luôn bán hết hàng.

Bà Henrietta Isaboke, giám đốc điều hành và cũng là nhà trồng trọt, cho biết thực tế là chính những người nhập cư đang trồng thực phẩm cho những người nhập cư khác nên giúp có đủ mặt hàng thực phẩm phù hợp với bản sắc để bán ra. Bà cho biết, ví dụ, một số xứ coi rau diếp là “thức ăn cho thỏ”.

Bà nói: “Điều thực sự quan trọng là chú ý đến những loại rau củ truyền thống này đối với các cộng đồng mà chúng tôi đang phục vụ. Đây đúng là một yếu tố làm thay đổi lớn”.

Nhưng khi họ chờ đợi mùa trồng mới bắt đầu trở lại, nhóm VietAID đang tập trung vào việc phân phối những mặt hàng khô mà họ thường dùng.

Ngọc Phạm (trái) và Vân Nguyễn (phía sau) đang phát cho một cư dân Dorchester một túi thức ăn, trong đó có rau muống và hành lá, thường dùng trong ẩm thực Việt Nam. (Ảnh của Sarah Betancourt, GBH News)

Anh Nhân Trương, Điều phối viên Cộng đồng tại VietAID, cho biết: “Hiện tại, đồ tươi thì lại ít đi, mà thực phẩm khô và đồ hộp càng có nhiều để được lâu hơn.

Đối với hàng khô, họ đang dựa vào các tổ chức phi lợi nhuận khác để giới thiệu đến những nơi tốt nhất để mua rẻ các loại nước tương, cá mòi, miến và các nguyên liệu giữ được lâu, phù hợp với bản sắc.

Nhưng cô Lisette Lê có hơi lo không biết sẽ tìm đâu ra tiền.

Cô nói, “Tiền cứu trợ đại dịch và quỹ tiếp cận thực phẩm đã bị cắt giảm đáng kể trong năm vừa qua. Bước sang năm 2022, vẫn chưa rõ nguồn tài trợ sẽ được bao nhiêu để duy trì hoạt động này và đây là một câu hỏi lớn đeo đẳng vấn đề thiếu thốn thực phẩm”.

Câu trả lời có thể tùy thuộc vào vị thị trưởng mới của Boston.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Michelle Wu đã ủng hộ một nền tảng công bằng về thực phẩm, mà theo bà có nghĩa là mọi người có “quyền tiếp cận nhất quán với các loại thực phẩm bổ dưỡng, giá cả phải chăng và phù hợp với bản sắc”. Đó là, bà nhấn mạnh, “quyền phổ biến của con người”.

Bà Wu, có cha mẹ nhập cư từ Đài Loan, năm ngoái cho biết trong chủ trương công bằng lương thực của bà là thành phố nên sử dụng các chính sách phát triển kinh doanh và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nhà bán lẻ thực phẩm nhỏ tồn tại và cung cấp thực phẩm phù hợp với bản sắc cho cộng đồng của họ.

Bất kể câu hỏi về nguồn quỹ sẽ lấy từ đâu ra, VietAID đang mở rộng và triển khai chương trình thẻ quà tặng khẩn cấp trong năm mới, mang đến cho khách hàng thẻ có thể sử dụng tại các siêu thị địa phương và cửa hàng tạp hóa Á châu.

Anh Nhân Trương cho biết: “Đó là mục tiêu của chúng tôi cho năm 2022”.

Sarah Betancourt
Theo GBH News ngày 24/1/2022

Nguồn: https://www.wgbh.org/news/local-news/2022/01/24/with-focus-on-culturally-relevant-food-dorchester-nonprofit-serves-vietnamese-residents-in-need